Viện đề nghị phạt tù, Tòa phạt tiền
Ngày 17/6, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thảo (SN 1962, tỉnh Hậu Giang) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), trưa 7/12/2018, Phòng CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Hậu Giang kiểm tra bắt quả tang nhân viên của DNTN gas Chín Thảo (ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh) do ông Nguyễn Văn Thảo điều hành, đang chiết gas vào chai LPG nhãn hiệu TTA Gas để bán cho một đại lý gas.
Bị cáo Nguyễn Văn Thảo tại phiên tòa.
Quá trình điều tra xác định, bị cáo Thảo là người đã chỉ đạo, điều hành, phân công nhân viên và người thân nạp gas từ bồn khí V-Gas vào bình gas nhãn hiệu khác V-Gas. Sau đó, sử dụng tem chống giả và niêm màng co giả mua trôi nổi trên thị trường để chụp, dán vào các bình gas bán lại cho đại lý, cửa hàng trên thị trường nhằm tạo niềm tin cho khách hàng và thu lợi bất chính.
Cáo trạng quy kết, tổng giá trị hàng giả là hơn 15,2 tỷ đồng. Số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi bán gas nhãn hiệu khác V-gas từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/12/2018 là hơn 400 triệu đồng.
Với hành vi này, ông Thảo bị Viện KSND đề nghị truy tố tội "Sản xuất buôn bán hàng giả" theo điểm e, Khoản 2, Điều 192, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo điểm e, Khoản 2, Điều 129 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định "Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm".
Ngày 18/1/2022, TAND TP Vị Thanh mở phiên tòa, đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
HĐXX nhận định, từ các chứng cứ, tòa có đủ cơ sở kết luận, bị cáo phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là thu lợi bất chính từ 100 triệu đến 500 triệu nên phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 192 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Hành vi phạm tội của ông Thảo là rất nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự nên nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là phạm tội nhưng vì muốn nhanh chóng tìm kiếm lợi nhuận, thoả mãn nhu cầu cá nhân bị cáo vẫn thực hiện, hành vi này của bị cáo thể hiện tính cố ý.
Mặt khác, bị cáo đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng không tự nhận thức được mà vẫn bất chấp quy định của pháp luật tiếp tục thực hiện hành vi làm giả nhãn hiệu hàng hoá để mua bán. Hành vi lần này cấu thành tội phạm, nên cần xử hình phạt nghiêm đủ để răn đe giáo dục và cải tạo đối với bị cáo.
Ngoài ra bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như bản thân bị cáo là người có bệnh về tâm thần kinh được cơ quan chuyên môn xác định bị hạn chế khả năng nhận thức, không đủ năng lực làm chủ hành vi, có thân nhân trong gia đình là người có công với Cách mạng.
Sau khi xem xét các tình tiết, phiên xử đó, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo 500 triệu đồng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Sau đó, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, đề nghị cơ quan công an điều tra lại vụ án do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, tòa cấp sơ thẩm xét xử lại, tăng nặng hình phạt đối với bị cáo...
Đồng thời, xác định lại tư cách tham gia tố tụng đối với người có quyền nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Đề nghị hủy án
Tại phiên tòa lần này, ông Thảo cho biết, cấp sơ thẩm xét xử như vậy là không oan đối với bị cáo. Doanh nghiệp là do bị cáo điều hành, việc sang chiếc gas để giao cho các cửa hàng đại lý là do bị cáo chỉ đạo, nên chịu trách nhiệm.
Bị cáo còn trình bày, khi bắt đầu thực hiện hành vi, bị cáo không biết rằng việc này là sai. Mãi đến năm 2015, khi bị xử phạt hành chính, Thảo mới biết rằng hành vi này là vi phạm pháp luật.
Tòa truy vấn, vì sao biết rằng sai mà vẫn làm, bị cáo cho biết, vì lợi nhuận nên tiếp tục thực hiện hành vi cho đến thời điểm bị công an bắt quả tang.
“Vào năm 2015, bị cáo bị UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đến năm, 2017, Công ty Total Gaz có đơn kiến nghị về việc bị cáo sang chiếc gas nhãn hiệu khác vào bình gas mang nhãn hiệu của công ty.
Tức là thời điểm này tiếp tục phát hiện bị cáo có hành vi vi phạm tương tự. Điều này chứng tỏ việc bị cáo thực hiện hành vi sai phạm không phải là nhất thời mà là kéo dài. HĐXX nói để bị cáo thấy", Chủ tọa phiên tòa phân tích.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Hậu Giang xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định hành vi của bị cáo đã gây ra thiệt hại với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng, đủ yếu tố cấu thành tội.
Tuy nhiên, trong quá trình truy tố và xét xử, tòa cấp sơ thẩm đã xem xét, căn cứ vào số tiền bị cáo thu lợi bất chính hơn 400 triệu là chưa đúng quy định pháp luật.
Mặc khác, quá trình điều tra chưa xác định rõ các lần thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo để xem xét, định lượng cho những lần phạm tội để xem xét và áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo là có thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần hay không?
Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm vẫn chưa làm rõ việc có đồng phạm hay không vụ án.
Nhận thấy cấp sơ thẩm có nhiều sai phạm mà tại cấp phúc thẩm hôm nay không thể khắc phục được, Viện KSND đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của đương sự, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cơ quan điều tra, để tiếp tục điều tra và xét xử lại.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX nhận định, kết luận điều tra, cáo trạng Viện KSND TP Vị Thanh, bản án sơ thẩm đều kết luận giá trị hàng giả là hơn 15,2 tỷ đồng.
Việc cấp sơ thẩm căn cứ vào tiền thu lợi bất chính của bị cáo từ ngày với số tiền hơn 400 triệu để xét xử bị cáo là việc điều tra không đầy đủ, đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tôi của bị cáo, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật.
Từ đó, HĐXX thống nhất quan điểm với Viện KSND, chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao về Viện KSND TP Vị Thanh điều tra, làm rõ lại vụ án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận