Ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội |
Liên quan đến vụ đường ống nước sông Đà 18 lần bị vỡ, Viện KSND Tối cao vừa quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và 6 bị can khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Vinaconex vì không đủ căn cứ để phê chuẩn.
Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu trong trường hợp này ông Phí Thái Bình và những người nêu trên có được bồi thường vì bị khởi tố sai?
Trao đổi với Báo Giao thông về trách nhiệm bồi thường trong vụ việc này, Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho cơ quan điều tra.
Đối chiếu với trường hợp của ông Phí Thái Bình, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, sau đó gửi quyết định này cho VKSND tối cao nhưng Viện KSND tối cao không phê chuẩn quyết định khởi tố vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy trong trường hợp này, cơ quan cảnh sát điều tra phải bồi thường.
Tại Điều 30 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định:Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp như: Đã ra quyết định tạm giữ người nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật; Đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, theo Luật sư Nguyễn Hữu Toại, nếu một người bị khởi tố mà sau đó xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì họ thuộc đối tượng được bồi thường theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: “Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại cũng cho rằng, việc bồi thường này sẽ dựa trên yêu cầu của đối tượng được bồi thường. Nếu đối tượng này có yêu cầu bồi thường thì sẽ phải qua quá trình lập hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh thiệt hại, rồi tiến đến quá trình thương lượng giữa hai bên, sau đó mới có kết quả về việc bồi thường như thế nào.
Trước đó, cuối tháng 5/2017, báo chí đưa tin về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bởi những sai phạm trong giai đoạn ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà bị vỡ hàng chục lần.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn có quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng Giám đốc Vinaconex và 5 bị can khác cùng với tội danh vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cả 7 bị can đều được cho tại ngoại. Các quyết định khởi tố đã được chuyển sang VKSND Tối cao.
Cho đến tháng 12/2017, VKSND Tối cao đã chính thức ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố ông Bình và 6 người liên quan.
Xem thêm tin nóng: Công an đang khám nhà đại gia Vũ nhôm tức Phan Văn Anh Vũ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận