Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu có hơn 9.000km đường cao tốc và khoảng 29.800km quốc lộ.
Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 cần khoảng 900.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách chỉ có thể đáp ứng 600.00 tỷ đồng. Việc huy động 300.000 tỷ đồng còn lại đang là bài toán được đặt ra.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu có hơn 9.000km đường cao tốc
E ngại vì thu không đủ chi
Từ nhiều năm nay, Công ty CP Đầu tư Phương Nam - nhà đầu tư 3 dự án BOT trên QL1 là Bạc Liêu, Bình Thuận, Sóc Trăng đối mặt với tình trạng thua lỗ do doanh thu giảm sâu, không đủ thanh toán lãi vay, nợ gốc cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT đơn vị này cho biết, doanh thu năm 2021 của 3 dự án giảm gần 30% so với năm 2020. Mỗi ngày, các dự án thu gần 1 tỷ đồng, nhưng không đủ trả ngân hàng.
“Đã 3 lần, đáng ra dự án phải được tăng giá vé theo định kỳ nhưng chưa thực hiện nên gánh nặng trả nợ và các chi phí khác ngày càng đè nặng”, ông Phương nói và chia sẻ, sau các dự án này, doanh nghiệp không còn dám nghĩ đến đầu tư dự án giao thông nữa.
Tương tự, một nhà đầu tư tuyến cao tốc cửa ngõ Thủ đô cho hay, ngoài tuyến cao tốc, đơn vị cũng đầu tư dự án BOT cầu Bạch Đằng.
Theo tính toán, dự án sẽ thu được 1,3 tỷ đồng/tháng nhưng thực tế chỉ được 400 triệu đồng, không đủ chi phí vận hành. “Điều này làm các nhà đầu tư khác e ngại khi nghĩ tới dự án giao thông”, vị này nói.
Trong khi đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu có hơn 9.000km đường cao tốc và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.800km. Quy hoạch xác định nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 cần khoảng 900.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, trong tổng số vốn trên, ngân sách Nhà nước đáp ứng khoảng 600.000 tỷ đồng. Số còn lại 300.000 tỷ đồng được xác định là thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Lý giải về những khó khăn của các nhà đầu tư dự án BOT hiện nay, ông Cường cho rằng, đang có một số nhà đầu tư trông chờ vào dự án để có công ăn việc làm.
“Thêm nữa, họ cũng mong ngóng vào việc kiểm soát số thu lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, Nhà nước đã có nhiều giải pháp kiểm soát doanh thu dự án BOT và đã minh bạch”, ông Cường nói và cho rằng nếu không thiết lập lại mặt bằng mới, không có cơ chế hỗ trợ, sẽ rất khó thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư từ tư nhân.
Nới trần lợi nhuận
Đáng chú ý, trong số 8 giải pháp đột phá về nguồn lực để thực hiện Quy hoạch vừa được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải pháp tăng biên lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được đánh giá là một tiêu chí hấp dẫn. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận được đề xuất tăng từ 11,5% hiện nay lên 15 - 18%.
Theo chủ đầu tư dự án cao tốc cửa ngõ Thủ đô nêu ở trên, nếu được nới biên độ lợi nhuận từ 13 - 15% đã hấp dẫn các nhà đầu tư, chưa nói đến 15 - 18%.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Nam cũng cho rằng, nếu kiểm soát hết được các rủi ro, nhà đầu tư mong muốn tỷ suất lợi nhuận dự án chỉ cần ở mức từ 13 - 15%. Với tỷ suất lợi nhuận này, các nhà đầu tư sẽ hào hứng hơn với các dự án giao thông.
Lý giải về đề xuất này, ông Nguyễn Xuân Cường cho hay, theo quy định, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dự án BOT là 11,5% hiện nay gần như ngang với lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, đầu tư vào dự án BOT thời gian kéo dài, nhiều yếu tố rủi ro nên gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư.
“Trong bối cảnh nhiều giải pháp đã được triển khai đảm bảo thu phí minh bạch như thu phí không dừng, giám sát chặt của cơ quan quản lý sẽ đưa doanh thu về giá trị thật. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, muốn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, tỷ suất lợi nhuận cần phải điều chỉnh lên 15 - 18%. Qua các cuộc hội thảo, đa số nhà đầu tư nước ngoài đều đề xuất mức này”, ông Cường nói.
Tăng vốn mồi, địa phương chia sẻ nguồn thu
Việc đổi mới tư duy trong xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá được Tổng cục Đường bộ VN xác định là chìa khóa giúp thực hiện thành công quy hoạch.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Trong 10 năm qua, chúng ta mới dành khoảng 2,1% GDP đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ. Tương tự như các nước phát triển, Nhà nước cần nâng tỷ lệ này lên 3,5% - 4% GDP”.
Muốn thu hút vốn tư nhân đầu tư dự án giao thông, cơ quan nhà nước cùng đồng hành, tháo gỡ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư như cho phép được cùng cơ quan nhà nước khảo sát, tính toán, thẩm định dự án, tính đúng tính đủ các yếu tố đầu vào, sát với thực tế.
Cùng với đó, những năm đầu do lưu lượng xe còn thấp, dự án có thể lỗ nên Nhà nước, ngân hàng cần có cơ chế hỗ trợ về lãi suất. Nhà nước cũng cần có cơ chế chia sẻ rủi ro công khai, minh bạch với nhà đầu tư.
PGS. TS. Trần Chủng, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN
Cùng đó, thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng tạo thêm nguồn lực bảo trì và đầu tư các tuyến mới.
Cơ chế này đã được Tổng cục Đường bộ VN đưa vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi trình Chính phủ.
Vấn đề nữa giúp tạo nguồn vốn là các dự án cao tốc đầu tư theo hình thức BOT cần tiếp tục thu phí. Sau khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước tiếp tục thu phí.
Hiện nay, theo Luật PPP, vốn mồi do Nhà nước đầu tư vào mỗi dự án chỉ chiếm dưới 50%.
Vì thế, các dự án tùy theo vùng miền nên điều chỉnh tùy theo từng dự án, không nhất thiết quy định cứng theo con số đó.
Các dự án ở vùng sâu, vùng xa lưu lượng xe thấp, tỷ lệ góp vốn của Nhà nước có thể lên đến 60 - 70%. Với tỷ lệ vốn mồi này sẽ thu hút được nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia dự án.
“Thực tế thời gian qua cho thấy, đường mở ra đến đâu, kinh tế địa phương nơi đó phát triển, giá đất tăng cao, dẫn đến nguồn thu của địa phương cũng tăng theo. Khi đó, cần có cơ chế để địa phương phải hỗ trợ lại cho dự án một nguồn vốn theo tỷ lệ nhất định từ nguồn thu tăng thêm đó. Việc này giúp rút ngắn thời gian thu phí và đảm bảo tính khả thi của dự án”, ông Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận