Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài nếu…
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phước cho biết, muốn thực hiện được gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thì phải có tiền. Vậy tiền đâu?
“Tiền trong dân còn nhiều!”, ông Phước nói.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước cũng giải thích ngay, “dân” ở dây không chỉ là người dân mà là cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các ngân hàng thương mại…
Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.
“Tôi đồng tình là chúng ta huy động trong thị trường. Trái phiếu Chính phủ là công cụ hiệu quả mà Bộ Tài chính đã sử dụng để huy động qua kênh trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm”, chuyên gia này nói.
Ông Trương Văn Phước:
Quốc hội nên xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm, thay vì từng năm như hiện nay. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay.
Lạm phát trong khoảng 3-5 năm, dù có năm cao năm thấp nhưng bình quân dưới mức 4% là được.
TS. Trương Văn Phước cũng cho biết, dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn, thể hiện ở: Thu ngân sách dự kiến cả năm vẫn tăng so với dự toán; Bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép; Nợ công vẫn thấp so với ngưỡng an toàn và với mức trần đã được Quốc Hội phê chuẩn…
Ông Phước cho rằng, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh” và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn.
“Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra”, TS. Trương Văn Phước nói.
Vẫn có thể giảm thêm lãi suất
TS. Trương Văn Phước cho biết, Việt Nam vẫn còn dư địa điều hành chính sách tiền tệ bởi lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI dưới 2%, lạm phát cơ bản dưới 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021.
“Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống”, ông Phước nói.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động; Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023.
Trước đề xuất của nhóm chuyên gia là nên giảm thêm 0,5-1% lãi suất, nhưng làm thế nào để đạt được? Vận động ngân hàng giảm chi phí? “Đó không phải yếu tố chính mà ngân hàng phải giảm lãi suất bằng bộ chỉ tiêu điều hành lãi suất. Đâu đó còn lãi suất có thể hạ trên cơ sở lãi suất thực dương bởi lạm phát nay chỉ 2% trên cơ sở chênh lệch lãi suất tiền huy động, tiền cho vay. Đó mới là cơ sở hạ lãi suất”, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay.
Ông Phước cũng nhấn mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại là nhân tố chính để giảm thêm lãi suất. Vì sao có ngân hàng thanh khoản dồi dào mà vẫn cạnh tranh lãi suất? Vì có ngân hàng thiếu vốn và vẫn huy động bằng bất cứ giá nào.
“Nên nếu lãi suất tăng do lạm phát và yếu tố thị trường thì việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ phí đi nhiều”, ông Phước nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận