Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng
Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo đề án "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), dự kiến giai đoạn tới, tổng nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển lên tới gần 400 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, đến năm 2025 là là hơn 147 nghìn tỷ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng; đến năm 2030 bổ sung thêm gần 252 nghìn tỷ đồng.
Tổng nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển thời gian tới là gần 400.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vốn huy động ngoài ngân sách. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, theo ông Đạt, nguồn vốn sẽ được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng và khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Trước đó, số liệu từ Bộ GTVT cho hay, giai đoạn 2011 - 2020, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đạt khoảng 980 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,18% GDP cùng thời kỳ). Trong đó, riêng với kết cấu hạ tầng cảng biển, tổng vốn đầu tư cho ngành đạt khoảng 202 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 20,6% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải đạt khoảng 7,6 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách đạt 28,3 ngàn tỷ đồng. Vốn ngoài ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 173,4 nghìn tỷ đồng - chưa bao gồm hạ tầng bến cảng chuyên dùng, chiếm xấp xỉ 86% thực tế huy động đầu tư 202 nghìn tỷ đồng).
Chưa có nhiều dự án hàng hải triển khai theo hình thức PPP
Bến cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được xây dựng bằng nguồn vốn ODA. Ảnh: Portcoast
Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều điểm sáng trong việc huy động các nguồn lực đầu tư khác vào hạ tầng cảng biển.
Cụ thể, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA - CGM...
Theo các chuyên gia, đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới.
Hiện nay, một số bến cảng được đầu tư lớn, quy mô hiện đại như Cái Lân (vốn ODA), Tiên Sa (vốn ODA), Bến cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (vốn ODA), Bến cảng container Tân Cảng Cát Lái (Công ty Tân Cảng - Bộ Quốc phòng), Bến cảng container Trung tâm Sài Gòn SPCT (Liên doanh với DP World - Ả rập Saudi), Bến cảng container quốc tế Sài Gòn Việt Nam SITV (Liên doanh với Hutchison Hongkong), Bến cảng Lạch Huyện (Liên doanh với Mitsui O.S.K line - Nhật Bản, Wanhai Lines - Đài Loan (Trung Quốc), Itochu - Nhật Bản)...
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ thu hút nguồn vốn đầu tư như Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.
Các Nghị định ra đời được đánh giá đã tạo ra hướng đi mới trong công tác xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và kết cấu hạ tầng hàng hải nói riêng.
Tuy nhiên hiện nay, trong lĩnh vực hàng hải chưa có nhiều dự án theo hình thức này. Thông tin của Báo Giao thông, hiện mới một số dự án như Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) theo hình thức PPP; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống VTS luồng Hải Phòng theo hình thức BT; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng kênh Tráp; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến luồng cho tàu 5.000 DWT đầy tải và 10.000 DWT giảm tải qua cửa Định An...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận