Đường sắt

Huy động vốn xóa lối đi tự mở giao cắt đường sắt

25/09/2017, 11:23

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các địa phương khu vực miền Trung tập trung tháo gỡ vướng mắc thủ tục...

13

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các địa phương linh động bố trí vốn xóa lối đi tự mở, cải tạo đường ngang - Ảnh: Tấn Việt

Nhiều địa phương “đói” vốn

Theo ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 251 vụ TNGT đường sắt, làm chết 113 người, bị thương 117 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 56 vụ, giảm 3 người chết, giảm 57 người bị thương. Trong đó, gần 70% số vụ xảy ra tại các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt và dọc hai bên hành lang ATGT đường sắt. Cả nước hiện có 5.564 điểm giao cắt. Trong đó, số đường ngang hợp pháp là 1.516, còn lại là 4.048 lối đi tự mở (chiếm 72,8% tổng giao cắt). So với thời điểm 31/12/2016, cả nước đã xóa bỏ 231 lối đi tự mở. Sở dĩ, con số lối đi tự mở được xóa bỏ quá ít do các địa phương lúng túng trong bố trí vốn.

Ông Trương Khuê, Chánh văn phòng Ban ATGT Quảng Nam cho hay, toàn tỉnh có 133 đường ngang, trong đó có 72 lối đi tự mở. Đến nay, ngành GTVT tỉnh chưa xóa bỏ được lối đi tự mở nào ngoài việc thu hẹp bề rộng 25 vị trí, hạn chế ô tô qua lại theo tinh thần quy chế phối hợp.

Tăng cường tuyên truyền ATGT đường sắt

Theo ông Khuất Việt Hùng, những năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia rất chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường sắt trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Giao thông, VOV Giao thông… Nhưng tại các địa phương, công tác này chưa được chú trọng. Ông Hùng đề nghị các Ban ATGT địa phương chủ động xây dựng kịch bản tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với báo, đài địa phương để cổ động ý thức người dân. Ngoài ra, những hình ảnh, clip hay về ATGT đường sắt, các địa phương cũng cần gửi ngay về Ủy ban ATGT Quốc gia để tổng hợp, đăng phát trên các kênh sóng.

Theo ông Khuê, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt đầu tư 160 tỷ đồng làm đường nối từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vượt qua đường sắt vào trung tâm TP Tam Kỳ, giúp giảm 3 giao cắt giữa đường sắt với đường Trần Phú, Trần Cao Vân và QL4D. Bên cạnh đó, Bộ GTVT từng duyệt chi cho Quảng Nam 200 tỷ đồng làm nút giao Tam Hiệp (huyện Núi Thành) nhưng địa phương thấy nhiều điểm bất hợp lý nên chủ động kiến nghị dừng và tự chi 600 tỷ đồng giải quyết triệt để điểm “nóng” này. “Sau những dự án này, ngân sách địa phương cho đường sắt cạn kiệt nên Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn làm mới đường dân sinh trên đường ĐH10 qua huyện Thăng Bình, chủ trương làm thành đường cảnh báo tự động với số vốn 4 tỷ đồng”, ông Khuê cho hay.

Tại Quảng Bình, nơi tuyến đường sắt đi qua dài nhất cả nước (175km), có 75 đường ngang hợp pháp và 210 lối đi tự mở. Địa phương đã xóa 16 lối đi tự mở và lắp đặt 100% biển cảnh báo nguy hiểm tại các giao cắt còn lại. “Những năm qua, địa phương chỉ xóa bỏ được 16 lối đi tự mở do kinh phí hạn hẹp. Việc này cũng ảnh hưởng đến dân cư sinh sống vì điều kiện địa hình, sinh hoạt dọc tuyến khá đa dạng”, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Bình nói.

Riêng tại Nghệ An, ông Trần Khắc Xuân, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho hay, địa phương đang linh động bố trí vốn đầu tư, cải tạo các điểm giao cắt. Cụ thể, Nghệ An đầu tư xây dựng 7 cầu vượt đường sắt, hiện 5 cầu đã hoàn thành và kiên quyết đóng đường ngang xung quanh khu vực cầu. Nghệ An cũng đã đóng dứt điểm 21 lối đi tự mở.

Linh động vốn, hạ nhiệt TNGT

Theo ông Khương Thế Duy, Cục Đường sắt VN đã đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành bố trí vốn trong năm 2017 và các năm tiếp theo để thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, ông Duy thừa nhận việc bố trí vốn sẽ rất khó khăn.

Trong thời điểm khó khăn về vốn, đồng tình với cách làm của Nghệ An, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các địa phương chủ động ưu tiên nguồn 35% từ Quỹ Bảo trì đường bộ để lại cho các tỉnh xây dựng, cải tạo và nâng cấp đường ngang, xóa lối đi tự mở.

Tại cuộc họp liên quan đến vấn đề này cuối tuần qua, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành đã có từ năm 2013 nhưng 2 năm gần đây mới đi vào thực chất. Bằng chứng là số vụ TNGT đường sắt chỉ giảm từ năm 2015 đến nay. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng thống nhất với ý kiến của Ủy ban ATGT Quốc gia trong việc các địa phương chủ động ưu tiên vốn cho hạ tầng đường sắt trong bối cảnh vốn cho ngành GTVT đang gặp khó khăn. Những năm tới, thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ chủ động các nguồn vốn để ưu tiên thực hiện lộ trình xóa lối đi tự mở đã được Quốc hội phê duyệt trong Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7/2018.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.