Bạn cần biết

Huyền bí cây ổi biết “cười” ở di tích Lam Kinh

25/07/2018, 07:38

Chúng tôi chờ khi không có gió, cây lặng như tờ, chọn phần “nách” của cây gãi khẽ... những chiếc lá ổi rung lên...

16

Cây ổi biết “cười”

Trong khuôn viên rộng lớn của Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Trong đó, ngoài 18 cây thuộc cây di sản, còn có cây ổi gãi là “cười”, cây lim “hiến thân”, tình cây đa và cây thị...

Cây ổi biết “cười”

Từ con đường đá dẫn vào Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), ngoài hai hàng tượng quan hầu và tượng các con vật (Nghê, Ngựa, Tê giác và Hổ) tạc bằng đá dựng lên giữa lối đi “thần đạo” thì bên phải chếch Lăng khoảng gần 10m có một cây ổi dáng huyền, uốn lượn mang thế rồng chầu gần trăm năm tuổi, bốn mùa đều cho quả thơm ngon.

Bảo vật quốc gia “án ngữ” trên đất Lam Kinh

Khu di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1962. Đến năm 2013 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài 18 cây di sản, khu di tích còn có 4 bảo vật quốc gia đó là: Bia Vĩnh Lăng - “Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi”; Bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng; Bia “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi” - Bia Vua Lê Thánh Tông và Bia “Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi”- Bia vua Lê Hiến Tông.

Quan sát cho thấy, cây ổi “cười” cao hơn 3m, dài gần 5m, lá nhỏ 1-2cm với những cành chắc chắn uốn lượn như “chân rồng”. Để thử nghiệm, chúng tôi đã chờ khi không có gió, cây lặng như tờ và chọn phần “nách” của cây (những ngã nhánh được xem là nách cây) gãi khẽ thì bắt đầu thấy hiện tượng những chiếc lá ổi rung lên như đang reo cười vì “nhột”. Nếu gãi không đúng “nách” của cây thì lá rung nhẹ hơn. Điều đặc biệt, mặc dù lá rung nhưng cành lại không rung kể cả những cành yếu ớt nhất. Còn khi nắm tay vào thân cây, nhắm mắt, đầu óc không suy nghĩ thì có một cảm giác lâng lâng khó tả, thoải mái đến lạ lùng. Đây là một sự huyền bí không thể lý giải được.

Anh Nguyễn Văn Hòa, một du khách nói: “Thú thật lúc đầu tôi không tin lắm nhưng khi tận mắt nhìn và cảm nhận thấy đúng là chuyện đồn có thật. Rất lạ và khó tả. Không những thế ở nơi địa linh nhân kiệt này cũng có nhiều câu chuyện kỳ lạ nghe thấy rất tự hào cho quê hương Thanh Hóa”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Hà Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý khu di tích Lam Kinh cho biết: Cây ổi kỳ lạ này được trồng năm 1933. Thời đó, ở Nam Định có một người tên là Trần Hưng Dẫn, tuổi đã cao nhưng hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, ông đã hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi trồng trong khu Lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Việc cây ổi biết “cười” do nhân dân phát hiện ra từ năm 2010. Năm 2008, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cây Lim “hiến thân” và chuyện tình Đa - Thị

Cách Lăng mộ vua Lê Thái Tổ không xa, ven con đường đá là dấu tích của thân cây lim có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi từng sinh trưởng. Bây giờ, cây lim này đã được làm các cột, kèo trong chính điện Lam Kinh. Một điều lạ nữa là trước năm 2010, cây lim trăm năm tuổi này xanh tươi tốt và cao ngất trong khu rừng Lam Kinh. Đến khi việc phục dựng Chính điện Lam Kinh được triển khai thì cây bắt đầu trút lá sau đó chết dần.

Trước những bất thường nêu trên, lực lượng chức năng cùng nhân dân quyết định đưa cây lim này vào phục vụ việc xây dựng Chính điện Lam Kinh. Sau khi làm lễ “phạt mộc” phát hiện nhiều điều trùng khớp, ngẫu nhiên. Thường thì cây càng tuổi thọ cao sẽ tiêu tâm (rỗng ruột) nhưng riêng cây lim này thì không, phần gốc cây làm được một cột cái vừa vặn với phiến đá của nền cũ, ngọn cây vừa với gương tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương. Và người dân quan niệm đây là cây lim linh thiêng khi thấy phục dựng lại Chính điện đã tự mình “hiến thân”.

Bên góc sân, một cây đa cao hơn 20m tỏa bóng mát phải tới hàng chục người ôm, tán cây rộng dài với đường kính trên 50m chứa đầy sự tích huyền ảo. Đó là chuyện tình cây đa ôm cây thị trong lòng sống với nhau trải qua hàng trăm năm. Đến mùa, cây đa cho ra quả thị thơm lừng. Đến năm 2007, cây thị bỗng dưng bị chết và sau đó có mọc một cây con bên trong thân cây đa chĩa cành ra ngoài.

“Theo truyền ngôn thì vị trí cây đa bây giờ vốn dĩ là cây thị mọc lên và chim chóc bay tới mang theo những quả đa để ăn rồi rơi vãi xuống đất. Sau dần mọc lên thành cây. Rễ cây đa càng lớn càng ôm chặt lây cây thị và sống với nhau cho ra quả đa, quả thị. Năm 2013, cây đa - thị này được công nhận là cây di sản”, ông Hồ Hà Hải cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.