27 gia đình có người hiến tặng giác mạc năm 2016 ở Kim Sơn, Ninh Bình được tôn vinh |
Trên dưới một lòng hiến giác mạc khi qua đời
Có mặt trong lễ tôn vinh tại Kim Sơn, Ninh Bình, anh Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 5B, xã Cồn Thoi chia sẻ: “Gia đình tôi đã có bốn người hiến giác mạc sau khi qua đời. Chúng tôi tự hào vì điều đó”. Theo chia sẻ của Mạnh, không phải ai cũng hiểu và làm được việc đó. Dù trước khi ra đi, bố mẹ anh Mạnh đã quyết định hiến đôi giác mạc với ý niệm cứu được người khác là cuộc đời có ý nghĩa, thế nhưng khi các cụ nằm xuống, nhiều con cháu lại không đồng tình. Chỉ tới khi được giải thích về ý nghĩa nhân văn của việc hiến giác mạc, gia đình anh Mạnh mới đồng thuận.
Cách đây bốn năm, khi cậu con trai vừa tròn 14 tuổi không may bị tai nạn qua đời, anh Mạnh cũng quyết định hiến đôi giác mạc của con. “Nói thật, đó như là một cách để chúng tôi thấy rằng con trai chúng tôi vẫn hiện hữu đâu đó, chưa thật sự rời xa cuộc sống này”, anh Mạnh chia sẻ. Trước đó, người anh trai của anh Mạnh khi mất đi cũng đã tình nguyện để lại đôi giác mạc...
Từ năm 2007 đến nay, đã có hơn 40 nghìn người đăng ký tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời; 323 người đã hiến giác mạc đến từ 15 tỉnh, thành phố. Tính riêng trong năm nay, có 41 người đã hiến giác mạc, trong đó 27 người Ninh Bình. Thông qua Ngân hàng Mắt, BV Mắt T.Ư, hơn 1.000 người đã được ghép giác mạc từ nhiều nguồn khác nhau: Hiến trong nước và các nguồn cho tặng khác. |
Trường hợp anh Nguyễn Văn Tân, ở Kim Nhĩ, Kim Sơn, trong gia đình cũng đã có nhiều người hiến giác mạc sau khi mất. Anh Tân chia sẻ: “Có chứng kiến cảnh người bệnh mù lòa, ngày như đêm trong bóng tối mới thấy khó nhọc biết bao. Từ khi biết thông tin ghép giác mạc có thể giúp người mù lòa thấy được ánh sáng, gia đình tôi thấy thật ý nghĩa. Chính vì vậy, gia đình tôi trên dưới một lòng tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời”.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, Ninh Bình cho biết: “Giai đoạn đầu, việc tuyên truyền, vận động về hiến giác mạc gặp vô vàn khó khăn bởi quan niệm “chết không toàn thây”. Thông qua các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ý nghĩa nhân văn của việc hiến giác mạc được bà con nhìn nhận và hưởng ứng. Chính vì vậy, đến nay đã có hơn 10 nghìn người đăng ký tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời”.
Hiện, 19/27 xã thuộc huyện Kim Sơn lần lượt có người hiến tặng giác mạc, đưa huyện Kim Sơn trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước. Tính đến nay cả nước có 323 người hiến thì tỉnh Ninh Bình đã có tổng cộng 229 người hiến tặng giác mạc, riêng huyện Kim Sơn đã có tổng cộng 222 người tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời để đem lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho những người mù.
Gian nan đi nhận giác mạc hiến
Vận động để mọi người hiểu và tình nguyện hiến giác mạc đã khó, nhưng việc đi tiếp nhận giác mạc hiến cũng gian nan không kém. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt T.Ư cho biết: “Bất kể lúc nào, dù mưa nắng hay sớm tối, cứ nhận được thông tin có nguồn giác mạc hiến là anh em ở đây ngay lập tức lên đường. Có hôm vừa trở về sau một chuyến đi lấy giác mạc thông đêm, anh em lại tiếp tục hành trình mà không có thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng không phải lúc nào cũng thành công, cũng mang được nguồn hiến về bởi nhiều lý do”.
Tới giờ, ông Hoàng vẫn nhớ mãi lần nhận được điện thoại nhận giác mạc hiện ở Hải Phòng vào đúng ngày nghỉ cuối tuần. “Trời vừa mưa vừa rét, đến nơi, sau khi đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết thì anh em họ hàng của người mất lại tỏ ý không đồng ý cho lấy đi giác mạc. Thế nhưng thay vì trả lời thẳng thừng, họ lại viện đủ lý do: Nào là giấy tờ chứng minh người của BV Mắt, giấy giới thiệu của UBND xã… Mặc dù hết lời giải thích, nhưng cuối cùng mấy anh em đành chấp nhận ra về”, ông Hoàng kể. Lần khác, ông Hoàng cùng đồng nghiệp đã hoàn thành xong việc lấy giác mạc từ người hiến tình nguyện. Tuy nhiên, vừa bước ra cổng thì cả đoàn xe đến vài chục người, mặt mày hầm hố lao đến tra hỏi: Sao không hỏi ý kiến của bên họ ngoại? Cũng may lần đó, gia đình người mất dàn xếp êm xuôi.
Ngay cả việc thực hiện kỹ thuật gắp giác mạc cũng không phải đơn giản. “Khi thực hiện tại gia đình người mất, hàng trăm con mắt nhìn vào, người khóc, người tụng kinh… Nếu không vững tâm lý, cũng khó hoàn thành nhiệm vụ. Có trường hợp chúng tôi đành bó tay không thực hiện nổi khi người nhà cứ lao vào ôm người mất rồi gào khóc”, ông Hoàng cho biết.
BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Ghép giác mạc, BV Mắt T.Ư, người gắn bó với Ngân hàng Mắt từ những ngày đầu tiên cho biết: “Hiện cả nước có khoảng 30 nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra đang chờ cơ hội để được ghép giác mạc. Tuy nhiên, hiện nguồn giác mạc chỉ trông chờ việc hiến tự nguyện từ người mất. Chính vì thế, từ khi Ngân hàng Mắt T.Ư thành lập tới nay chưa lúc nào có số dư, danh sách chờ ghép giác mạc vẫn kéo dài”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận