Thời sự Quốc tế

Huyện Trung Quốc gây phẫn nộ vì mai mối “gái ế” với đàn ông thất nghiệp

29/01/2022, 15:53

Huyện Yihuang, tỉnh Giang Tây gây tranh cãi khi khuyến khích “gái ế” kết hôn với đàn ông thất nghiệp để tăng tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh.

“Hiện nay, tình trạng các nữ cán bộ, nữ lao động lớn tuổi độc thân tại huyện đã trở thành vấn đề nổi cộm, cần được trợ giúp kịp thời từ toàn xã hội”, theo nội dung văn bản đề cập tới nữ giới trên 26 tuổi của chính quyền huyện Yihuang tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.

Để khuyến khích sinh, huyện Yihuang đã đưa ra nhiều chương trình trợ cấp thai sản, mua nhà và tạo việc làm cho nữ giới cùng bạn đời.

Huyện Yihuang, nơi có dân số 240.000 người, đang thu thập thông tin từ phụ nữ độc thân để xây dựng nền tảng mai mối.

img

Các cặp đôi tham gia đám cưới tập thể tại huyện Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh - Reuters

Song, đề xuất gây tranh cãi nhất của huyện Yihuang là khuyến khích phụ nữ “ế” kết hôn với nam giới thất nghiệp qua việc cam kết đào tạo nghề, khởi nghiệp cho người chồng, cho vay để kinh doanh cũng như ưu tiên việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ công.

Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ bức xúc vì cho rằng chính sách này đang coi thường phụ nữ.

“Tôi cho là mình đã biết vì sao tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh tại Trung Quốc tiếp tục giảm. Đó là do họ không tôn trọng phụ nữ và đối xử với phụ nữ như con người.”, một người dùng mạng xã hội Weibo chia sẻ.

Một người khác cho biết: “Tại sao một nữ cán bộ 26 tuổi bị gọi là già và phải có con với người thất nghiệp?”.

Ngoài Yihuang, các chính quyền địa phương và trung ương Trung Quốc cũng ban hành nhiều chính sách nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh giảm, bao gồm thiết lập các nền tảng mai mối, các hoạt động “xem mắt”, trợ cấp mua nhà dựa trên số lượng con cái trong mỗi gia đình.

Năm 2021, một đề xuất mai mối “gái ế” ở thành thị với đàn ông chưa vợ ở nông thôn cũng gây phẫn nộ trên mạng xã hội tại Trung Quốc.

Quốc gia này có thuật ngữ “sheng nu” để chỉ “gái ế” - phụ nữ trên 27 tuổi chưa kết hôn, thường là phụ nữ thành thị có học thức cao.

Năm 2021, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, chỉ có 10,62 triệu trẻ sơ sinh ra đời, giảm 11,5% so với con số 12 triệu của năm 2020 dù đã kết thúc chính sách Một con kéo dài nhiều thập kỷ vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng có 3 con.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.