Hạ tầng

Huyện vùng sâu biên giới Vĩnh Hưng không còn đường đất đến xã

16/01/2020, 10:11

Với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, đến nay 100% xã, thị trấn có đường ô tô thảm nhựa đến tận trung tâm xã.

img
Cửa ngõ của huyện Vĩnh Hưng được đầu tư, mở rộng khang trang như đại lộ

Tại huyện vùng sâu biên giới Vĩnh Hưng (Long An), hệ thống giao thông hầu hết bằng đường thủy. Tuyến đường bộ huyết mạch duy nhất là ĐT831 nhưng cũng chỉ là đường đá sỏi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, đến nay 100% xã, thị trấn có đường ô tô thảm nhựa đến tận trung tâm xã.

Xóa cầu khỉ, bê tông, nhựa hóa những tuyến đường đất, sỏi

Nhiều tuyến đường, cầu mới được đầu tư xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông thị trấn Vĩnh Hưng đến nay đã khang trang, góp phần vào mục tiêu đưa thị trấn đạt chuẩn đô thị loại IV năm 2020.

Anh Nguyễn Văn Lâm, ngụ Khu phố Bàu Sậy cho biết: Thị trấn Vĩnh Hưng giờ đây không còn đường đất, sỏi đỏ, tất cả đường phố, ngõ hẻm được bê tông, nhựa hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Chợ Bàu Sậy được nâng cấp sửa chữa để tiểu thương và người dân mua bán, trao đổi hàng hóa tiện lợi. Công viên Kênh 28, hệ thống chiếu sáng đô thị, cây xanh… đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng; Trụ sở các cơ quan, trường học, trung tâm y tế và một số công trình công cộng khác được đầu tư, xây dựng, sửa chữa góp phần tạo hình ảnh khang trang, hiện đại cho thị trấn.

“Điểm sáng của thị trấn Vĩnh Hưng là công trình bờ Nam Kênh 28, công trình bờ kè kết hợp Công viên Kênh 28 phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi của người dân”, anh Lâm chia sẻ.

Ở trung tâm là vậy, vùng quê thuần nông của huyện được khoác lên mình chiếc áo mới. Trục giao thông kết nối các xã phía Bắc của huyện được đầu tư nhựa hóa đến trụ sở UBND, trạm y tế, trường học và các khu dân cư… hơn 10 năm nay. Chị Lê Thị Mai, ngụ xã Thái Trị (Vĩnh Hưng) cho biết, tuyến đường liên xã nối liền các xã biên giới của huyện được trải nhựa, thông thoáng, nhiều ô tô đời mới thường xuyên lưu thông, những chiếc xe tải chở nông sản chạy bon bon trên đường.

“Nếu như trước đây, hệ thống đường và cầu thiếu đồng bộ, người dân đi lại bất tiện, đặc biệt là vào mùa mưa, muốn ra trung tâm huyện có khi phải mất vài giờ, thì nay quãng đường ấy như ngắn lại, đường nhựa khang trang, cầu bê tông rộng rãi, người dân rất phấn khởi”, chị Mai nói.

Thỏa niềm ước mơ của người dân vùng lũ

Toàn huyện Vĩnh Hưng hiện có trên 46km đường nhựa do tỉnh quản lý, gần 85km đường huyện, đường tuần tra biên giới được nhựa hóa do huyện quản lý; Trên 28km đường nhựa, bê tông nằm trong đô thị và 337,7km đường thuộc xã quản lý. Tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.


Trục giao thông phía Tây Nam thuộc tuyến đường Tuyên Bình - Cả Rưng trơn trượt, lầy lội đi lại khó khăn, nay được nhựa hóa sạch đẹp đến tận ngõ xóm. Ông Nguyễn Minh Châu (75 tuổi, ngụ xã Tuyên Bình Tây) phấn khởi: “Ước mơ của bà con vùng lũ bấy lâu muốn có con đường rộng rãi, khang trang nay đã thành hiện thực. Giờ thì đường nhựa được xây dựng lên rộng đẹp, thuận lợi cho nhân dân đi lại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa, trẻ em đi học an toàn, nhất là mùa mưa, lũ”.

Ông Trương Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết: Công trình nhựa hóa tuyến đường Tuyên Bình - Cả Rưng được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng tháng 12/2016, có chiều dài hơn 10km, mặt đường rộng 4m, với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Đây là trục giao thông huyết mạch nối thị xã Kiến Tường với huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng tạo thành 3 trục giao thông chính của huyện Vĩnh Hưng gồm: ĐT831 ở giữa, đường tuần tra biên giới ở phía Bắc, tuyến Tuyên Bình - Cả Rưng nằm phía Tây Nam.

Sau khi đưa vào hoạt động, 3 trục giao thông đã phát huy hiệu quả tạo hành lang phát triển KT-XH khu vực biên giới, thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh miền Đông, TP HCM, khu vực lâu nay chỉ vận chuyển bằng đường thủy. “Tuy nhiên, ĐT831 còn khoảng 5 cầu sắt mặt gỗ và một số cầu trên QL62 chưa đồng bộ với đường nên ảnh hưởng đến vận tải hàng hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến huyện Vĩnh Hưng. Do đó, dù huyện có đang trải thảm đỏ, mời gọi các DN về đầu tư nhưng họ vẫn còn ngần ngại”, ông Điệp cho biết.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng Võ Thành Trí cho biết: Đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ và Huyện ủy có sự đổi mới theo hướng năng động, quyết liệt và cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; Sự tập trung, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân với tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Năm 2020, Huyện ủy xác định mục tiêu thực hiện tốt công tác quy hoạch và cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chương trình đột phá về xây dựng cánh đồng lớn và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần theo hướng thực chất, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Trước mắt, huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư chương trình đột phá về nông nghiệp, chỉnh trang thị trấn, phấn đấu đưa thị trấn Vĩnh Hưng sớm đạt chuẩn đô thị loại IV về kết cấu hạ tầng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.