Hậu trường sao

Huỳnh Tấn Sinh - Lãng tử sân cỏ thích tôm rang me

15/04/2019, 08:30

Sinh ra trong một gia đình tri thức, Huỳnh Tấn Sinh đi ngược con đường bố mẹ lựa chọn để với đến đam mê trái bóng.

img
Huỳnh Tấn Sinh trong màu áo U20 Việt Nam

Từ một cậu ấm đến ngôi sao sân cỏ, anh đã trầy da tróc vẩy và trưởng thành lên từ đó.

Chàng trung vệ lãng tử

Trong thành công của tuyển U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2020 không thể không nhắc tới trung vệ Huỳnh Tấn Sinh. Cầu thủ sinh năm 1998 là chốt chặn đáng tin cậy ở hàng thủ với những pha cản phá xuất sắc, xuyên suốt ba trận đấu. Thậm chí, giới chuyên môn đánh giá màn trình diễn của Tấn Sinh trong trận đại thắng U23 Thái Lan còn ấn tượng hơn cả Đình Trọng. Nhờ thể hình lý tưởng, trung vệ Quảng Nam gần như chiến thắng trong mọi pha tranh chấp tay đôi trước khung thành Tiến Dũng. Nhưng đặc biệt ở chỗ, Sinh không chơi kiểu “băm bổ” mà đá như một “lãng tử” trên sân. Điều này cũng dễ lý giải bởi cầu thủ từng dự U20 World Cup 2017 vốn xuất thân trong một gia đình tri thức, từ nhỏ đã được bố mẹ cưng chiều.

“Gia đình tôi có truyền thống hiếu học, bố mẹ và cô dì, chú bác đều là công chức nhà nước nên tôi cũng được hướng theo con đường học hành. Bố mẹ muốn tôi sau này trở thành một bác sĩ hoặc giáo viên”, Tấn Sinh chia sẻ. Hàng ngày, ngoài học văn hóa, chàng tuyển thủ U23 Việt Nam dành thời gian chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn hay đá cầu. Thú vị ở chỗ, Sinh chơi tốt tất cả các môn, đặc biệt là bóng chuyền nhờ chiều cao tốt nhưng cậu ấm này chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghiệp thể thao.

Bước ngoặt đến vào năm Tấn Sinh học lớp 8. Khi đó, đội bóng THCS huyện Duy Xuyên đi đá giải tỉnh thiếu một suất trung vệ. Các thày nghĩ ngay tới Sinh bởi cậu có thể hình nổi trội. Kết quả, chàng thư sinh với gương mặt sáng, nước da trắng chơi hay và được các HLV của CLB Quảng Nam để mắt tới. Bẵng đi một thời gian, HLV Nguyễn Văn Bé (phụ trách đội U15 Quảng Nam) tìm tới nhà Tấn Sinh để thuyết phục gia đình cho cậu lên tỉnh tập luyện. Ban đầu, cả nhà kịch liệt phản đối nhưng HLV Nguyễn Văn Bé không nản chí, thi thoảng lại phi xe máy hơn trăm cây số tới tỉ tê. Cuối cùng, trước tấm chân tình của người thày, bố mẹ đã gật đầu để Sinh gia nhập lò đào tạo trẻ Quảng Nam.

So với các bạn cùng trang lứa, Tấn Sinh nhập môn chậm 3 năm nên khoảng thời gian đầu cậu gặp rất nhiều khó khăn. “Khi tôi vào đội thì các bạn đã tập được 3 năm, đã có nền tảng kỹ thuật cơ bản còn tôi chẳng có gì, nên thấy đuối khi phải theo giáo án. Lúc bấy giờ, tôi đã nghĩ tới việc từ bỏ, nhưng có lúc không muốn phụ lòng thày Bé nên tự nhủ cố gắng. Ngoài các buổi tập chung với cả đội, tôi thường ở lại tập riêng hoặc bỏ ngủ trưa để tập. Do cả CLB chỉ có 1 sân tập nên các đội trẻ mỗi tuần chỉ được tập trên sân cỏ 1 buổi, tôi tập ở đường pitch, đá bóng vào tường, bóng bật ra thì khống chế. Thấy thế nhiều người cười nhưng tôi tập trung vào trái bóng nhiều hơn”, Tấn Sinh nhớ lại.

Có một câu chuyện vui, cũng là kỷ niệm không thể nào quên với cầu thủ sinh năm 1998. Hồi mới gia nhập đội U15 Quảng Nam, Tấn Sinh sợ nhất bài tập “đá ma”. “Do ngày đó tôi không có kỹ thuật tốt, lại chậm nên khi bị làm “ma”, cả đội hầm cho nhừ tử”, Sinh cười nói.

Khó khăn, trở ngại là vậy nhưng nhờ sự khổ luyện cùng những tố chất sẵn có, Tấn Sinh nhanh chóng trưởng thành, cùng U19 Quảng Nam làm nên lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết U19 Quốc gia năm 2015. Sau đó, Tấn Sinh được HLV Hoàng Anh Tuấn “chấm”, cùng U19 Việt Nam viết thêm truyện cổ tích với tấm vé dự U20 World Cup 2017. Trong khi nhiều đồng đội lên đời từ Hàn Quốc trở về thì cậu vẫn phải vật lộn tìm chỗ đứng tại CLB Quảng Nam. Phải tới vòng loại U23 châu Á 2020, Tấn Sinh mới được HLV Park Hang-seo trao cơ hội góp mặt ở tuyển U23 Việt Nam.

Chú chim đã ra ràng

Đá hậu vệ nhưng mê Ronaldo

Chơi ở vị trí hậu vệ nhưng Tấn Sinh lại rất mê siêu sao Cristiano Ronaldo, đặc biệt là phong cách đá phạt của CR7. Ngày còn ở đội trẻ Quảng Nam, Tấn Sinh thường lấy dàn phơi quần áo làm hàng rào để tập sút phạt. Trong trận giao hữu giữa U20 Việt Nam và U21 Fortuna 95 Dusseldorf (Đức) trước thềm U20 World Cup 2017, Tấn Sinh đã ghi 1 bàn thắng mang đậm phong cách Ronaldo từ điểm đá phạt ngoài vòng cấm.


Lại nói về những ngày đầu tiên đến với bóng đá chuyên nghiệp, Tấn Sinh khi đó giống như một con chim non chưa đủ sức tự bay bằng đôi cánh của mình nhưng phải rời xa tổ ấm. “Nếu như ở nhà, tôi được bố mẹ chăm sóc từ việc nhỏ nhất. Ở đội, mọi sinh hoạt đều phải tự lập, bao gồm cả giặt quần áo bằng tay. Lâu dần, nếp sinh hoạt tự lập và nỗi trống trải vì xa nhà trở thành bạn. Buồn nhất khi ốm đau, tôi nhớ nhà, nhớ sự chăm sóc ân cần của mẹ, lời động viên của bố”, Tấn Sinh chia sẻ.

Dường như nắm bắt được tâm tư của cậu trai mới lớn, cứ cuối tuần, cả nhà lại rồng rắn kéo nhau đi hơn 100km về TP Tam Kỳ thăm Tấn Sinh để xem con ăn ở thế nào. “Trong số các cầu thủ trẻ, tôi được gia đình đến thăm nhiều nhất. Khoảng hơn 1 năm trời, tuần nào cũng như tuần nào. Mỗi lần vào thăm, mẹ đều mang cho tôi rất nhiều bánh và sữa bột. Mẹ sợ tôi ăn uống ở đội không đủ chất, dù tôi đã cố gắng giải thích. Cứ độ hai, ba tháng, tủ đồ của tôi lại chật ních sữa nên tôi thường chia cho các đồng đội hoặc các em khóa dưới”, trung vệ U23 Việt Nam cho hay.

Cùng với thời gian, những chuyến thăm của gia đình thưa dần bởi tin tưởng vào sự trưởng thành, rắn rỏi của cậu con trai. Giờ đây, chàng trai trắng bóc ngày nào giờ đã mang nước da đen nâu. “Chứng kiến con khỏe mạnh, có hoài bão, vợ chồng tôi rất mừng, mong sao con theo được cái nghiệp đã chọn”, ông Huỳnh Tấn Dưỡng, bố Tấn Sinh hồi tưởng lại.

Tấn Sinh giờ đây bước đầu có được vài thành tựu nhất định. Ở giải U20 World Cup, trước mỗi trận đấu gia đình Sinh đều đón tiếp cả hàng trăm người dân trong làng trên xóm dưới đến xem bóng. Vòng loại U23 châu Á 2020 vừa mới diễn ra, căn nhà của gia đình ông Dưỡng cũng luôn rộn tiếng cười. “Tự hào lắm chứ! Lịch sử huyện Duy Xuyên chưa từng có cầu thủ nào được gọi lên đội tuyển. Tôi vẫn luôn căn dặn con: Không bao giờ được tự mãn, phải luôn đặt mình vào vị trí như những ngày đầu mới tập luyện để cố gắng nhiều hơn”, ông Dưỡng hỉ hả nói về cậu con trai. Ông kể thêm: “Mỗi lần về thăm nhà, Sinh thích ăn nhất món tôm rang me, mà phải là tôm rang me do mẹ nó làm mới chịu. Thế nên, mỗi dịp con về thăm nhà, cả nhà đều phải ăn tôm rang me hết bữa này tới bữa khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.