Xã hội

Hy hữu chuyện lỗi bên bán, bên mua bị kiện

22/08/2020, 06:21

Khi bên mua còn đang bức xúc vì máy giao bị lỗi, không sản xuất được như cam kết thì bên bán lại... kiện bên mua.

img
Máy dây chuyền sản xuất đang nằm tại kho của bên mua

Giữa mùa dịch Covid-19, một doanh nghiệp bỏ tiền tỷ mua máy sản xuất khẩu trang. Thế nhưng, khi bên mua còn đang bức xúc vì máy giao bị lỗi, không sản xuất được như cam kết thì bên bán lại... kiện bên mua, đòi bồi thường 2,7 tỷ đồng vì không trả tiền theo cam kết.

Giao chậm, máy chạy không như hợp đồng

Ủng hộ chủ trương của UBND TP.HCM để chống dịch Covid-19 đang bùng phát, đầu tháng 3, Công ty CP Thương mại dược phẩm Quang Minh (quận 9, TP.HCM) đã đầu tư dàn máy may khẩu trang tự động với giá 3 tỷ đồng.

Sau khi được nghe giới thiệu về tính hiệu quả của dàn máy như sản xuất tự động 1 phút làm ra 160 - 200 chiếc khẩu trang và đây cũng là thiết bị do một công ty Việt sản xuất, chị Nguyễn Thanh Thu Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại dược phẩm Quang Minh đã nhanh chóng lựa chọn mua máy tại Công ty THHH Diamond (quận Tân Phú, TP.HCM).

Theo hợp đồng, bên mua đặt trước 900 triệu đồng, phần còn lại thanh toán thành 2 đợt: Đợt 1, sau khi nhận máy chạy thử nghiệm và dây chuyền vận hành trơn tru; Đợt 2, sau khi đưa máy vào sử dụng, sản xuất sản phẩm trong 3 tháng. Thế nhưng, ngay từ đợt 1, bên bán đã giao máy không đúng ngày ký trong hợp đồng (hợp đồng yêu cầu giao trong tháng 4 nhưng sang tháng 5/2020, bên bán mới giao máy).

“Sau khi đưa máy vào chạy sản xuất, chúng tôi thấy có tới 30 - 40% sản phẩm bị lỗi. Ban đầu bên bán cam kết máy sản xuất khoảng 160 - 200 chiếc/phút, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 100 chiếc/phút. Ngoài ra, máy ngưng liên tục. Vì thế, chúng tôi yêu cầu bên bán phải thực hiện theo hợp đồng. Nếu máy chạy đạt chất lượng đúng như hợp đồng đã ký, chúng tôi sẽ ký biên bản nghiệm thu, đưa vào sử dụng và thanh toán phần tiền còn lại như cam kết. Nhưng bên bán không thực hiện được nên chúng tôi không thể thanh toán phần tiền còn lại được”, bà Hà cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Hà, trong lúc Công ty CP Thương mại dược phẩm Quang Minh đang thương thảo lại vấn đề máy móc giao phải đạt chất lượng như hợp đồng đã ký, thì phía bên bán lại muốn lấy trọn số tiền bên mua đặt trước và lấy lại máy, rồi đâm đơn kiện, đòi bồi thường 2,7 tỷ đồng do phía bên mua không giao tiền đúng hạn.

“Chúng tôi cũng chưa yêu cầu bên bán phải bồi thường việc chậm bàn giao hàng hoàn chỉnh là 3% theo hợp đồng đã ký thì thôi, bên bán còn kiện ngược, đòi bồi thường rất vô lý”, chị Hà bức xúc.

Trong đơn khởi kiện mà bà Nguyễn Hạnh Dung, Giám đốc Công ty THHH Diamond (bên bán) đã nộp lên TAND quận 9 kiện Công ty CP Thương mại dược phẩm Quang Minh (bên mua) có nội dung: Yêu cầu tòa án hủy hợp đồng đã ký với bên mua; tuyên cho bên bán thu lại máy sản xuất khẩu trang và không trả lại tiền cọc là 900 triệu đồng cho bên mua; Yêu cầu bên mua máy phải bồi thường thêm 2,7 tỷ đồng, số tiền này được tính dựa trên số tiền phạt chậm thanh toán là 3%/ngày, tương đương 3 tỷ đồng x 30 ngày.

PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với bà Dung để có thông tin đa chiều nhưng bà Dung trả lời, đã ủy quyền cho luật sư và mọi việc để cơ quan pháp luật giải quyết.

Bên mua có quyền yêu cầu phản tố bên bán

Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo Điều 3 của hợp đồng hai công ty đã ký, thì bên mua phải thanh toán cho bên bán 2 tỷ đồng khi bên mua kiểm tra máy và đạt yêu cầu.

Luật sư Trịnh Công Minh, Văn phòng Luật sư Trung Nguyên, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, theo quy định, khi nhận được thông báo máy giao đã bị lỗi, bên bán có nghĩa vụ sửa chữa hoặc đổi máy mới cho bên mua theo quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, bên bán không khắc phục được nên bên mua có quyền kiện bên bán vi phạm hợp đồng, yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.


Thế nhưng, trong biên bản thỏa thuận nhận máy, có thể hiện bên mua chưa đồng ý với nội dung nghiệm thu do máy không đúng như hợp đồng mua bán các bên đã ký kết. Do vậy, trong trường hợp này bên mua chưa phải thanh toán số tiền đợt 2. Như vậy, việc bên bán kiện bên mua yêu cầu hủy hợp đồng là không có căn cứ.

Hơn nữa, nếu đã yêu cầu hủy hợp đồng thì bên bán không có quyền giữ số tiền của bên mua và đòi số tiền phạt, bởi việc bên mua thanh toán cho bên bán số tiền 900 triệu đồng và quy định phạt do chậm thanh toán là căn cứ vào nội dung hợp đồng do 2 bên ký kết. Do đó, yêu cầu của bên bán là mâu thuẫn với chính họ.

Về mức phạt do vi phạm, luật sư Hoan cho rằng, theo Bộ luật Dân sự, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thương mại, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trong trường hợp này, việc mua bán giữa các bên căn cứ Luật Thương mại để giải quyết, do đó mức phạt vi phạm do bên bán đưa ra là không đúng quy định của pháp luật.

“Trong vụ án này thậm chí bên mua có quyền yêu cầu phản tố vì bên bán giao máy không vận hành được nên dẫn đến thiệt hại, trong đó có thiệt hại thực tế là những chi phí phát sinh từ khi giao dịch đến nay và khoản thu nhập dự kiến nếu máy hoạt động đúng như kế hoạch của bên mua”, luật sư Hoan nói.

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích thêm, theo quy định pháp luật, quá trình mua bán sản phẩm hai bên phải có quá trình trao đổi, ký kết hợp đồng, biên bản giao nhận máy và chạy thử sản phẩm.

Sau khi các quy trình này vận hành tốt, hai bên sẽ ký biên bản nghiệm thu và đưa vào sử dụng thiết bị. Khi phát sinh tranh chấp, các bên phải căn cứ vào nội dung thỏa thuận, cụ thể là hợp đồng mua bán mà các bên đã ký kết để làm cơ sở giải quyết. Tòa án sẽ xem xét theo toàn bộ quá trình diễn biến vụ việc và trên cơ sở thỏa thuận đã được ghi nhận tại hợp đồng đã ký kết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.