An ninh hình sự

Hy hữu con dâu bị bố mẹ chồng đòi hơn 1 tỷ đồng tiền chăm cháu, ở trọ

07/06/2023, 18:42

Khi cặp vợ chồng ly hôn, bố mẹ chồng đã nộp đơn đòi con dâu 600 triệu đồng tiền trông cháu và 415 triệu đồng tiền ở trọ.

Ngày 7/6, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Hà Trọng Đại, Giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự cho biết, Toà án nhân dân (TAND) một quận ở Hà Nội đã thụ lý 1 vụ ly hôn hy hữu.

Cụ thể, cặp vợ chồng kết hôn vào năm 2007, có với nhau 2 người con chung (sinh năm 2007 và 2012). Trong đó, chồng làm nghề tự do, còn vợ làm việc tại 1 công ty bưu điện trên địa bàn Hà Nội.

Trong thời gian chung sống, do được bố mẹ chồng cho mảnh đất tại quận nội thành Hà Nội nên hai vợ chồng đã vay mượn thêm để xây dựng một ngôi nhà kiên cố.

img

Bố mẹ chồng đòi người vợ hơn 1 tỷ đồng gồm tiền chăm cháu và ở trọ (ảnh minh hoạ)

Sau 16 năm bên nhau, do xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống, cặp vợ chồng quyết định ly hôn. Tuy nhiên, phía gia đình nhà chồng lại cho rằng mảnh đất và ngôi nhà là tài sản của họ, người vợ sẽ không được chia gì từ tài sản này.

Thậm chí, trong đơn yêu cầu độc lập, phía gia đình người chồng còn yêu cầu người vợ phải thanh toán tiền ở trọ, tiền trông cháu.

Theo nội dung đơn, khi sinh con, người vợ đã nghỉ chế độ thai sản theo quy định của Luật Lao động, sau đó để 2 cháu cho ông bà nội chăm sóc.

"Việc chăm bẵm 2 cháu đều do vợ chồng tôi đảm nhận. Nếu tính theo thời gian thì vợ chồng tôi phải chăm sóc mỗi cháu là 5 năm tương đương với 60 tháng. Vậy tổng cộng là 120 tháng. Nay chúng tôi yêu cầu người vợ phải trả 600 triệu đồng", nội dung đơn cho biết.

Ngoài ra, phía gia đình nhà chồng còn yêu cầu người vợ thanh toán số tiền 415 triệu đồng tiền trọ và tiền điện nước trong thời gian 11 năm 8 tháng mà người vợ sinh sống trong ngôi nhà được xây trên mảnh đất được bố mẹ người chồng cho.

Chia sẻ về quan điểm vụ việc trên, luật sư Hà Trọng Đại cho biết: "Người vợ hoàn toàn có đủ căn cứ để yêu cầu chia tài sản là ngôi nhà trên đất. Còn đối với đơn yêu cầu độc lập trên thì là không có căn cứ. Toà sẽ có phán quyết vụ việc".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.