Gần 1 nghìn ngân hàng đã được tái mở cửa cho người về hưu rút tiền. |
Không trả được nợ cũ
Hy Lạp trở thành nước phát triển đầu tiên không trả được khoản nợ sắp đáo hạn cho IMF - tổ chức gồm 188 nước thành viên có trách nhiệm giữ nền kinh tế thế giới ổn định. Với tuyên bố này, Hy Lạp sẽ không được tiếp cận các nguồn tiền của IMF cho đến khi khoản nợ trên được thanh toán và gần như "bước một chân" ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Eurozone bác bỏ đề nghị cứu trợ của Hy Lạp. Theo đó, Thủ tướng Hy Lạp đề xuất được vay 29,1 tỷ euro từ Quỹ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) trong hai năm để trang trải các khoản nợ công và yêu cầu cấu trúc lại các khoản nợ hiện có của Hy Lạp, đồng thời xem xét nới rộng thêm các thỏa thuận giãn nợ hiện tại “để đảm bảo tránh các sai sót kỹ thuật có thể phát sinh”.
Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã bàn về đề nghị trên qua điện thoại và đồng ý đàm thoại một lần nữa trong ngày 1/7; trong đó Hy Lạp đã cung cấp nhiều thông tin hơn về kế hoạch trả nợ của mình. Ông Jeroen Dijsselbloem, người chủ trì cuộc họp này cho biết, có lẽ Eurozone sẽ đề ra những yêu cầu phức tạp hơn đối với Hy Lạp nếu muốn nhận được khoản cứu trợ mới. "Con đường này không hề dễ dàng", ông Dijsselbloem nói.
Chiều 1/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gửi một lá thư tới các chủ nợ trong đó cho hay "đã chuẩn bị để chấp nhận gần hết các điều kiện mà phía chủ nợ đưa ra vào cuối tuần qua". |
Hiện nay, Hy Lạp đang ở tình thế không thể trả nổi bất cứ hóa đơn nào. Hôm 1/7, gần 1 nghìn ngân hàng đã được tái mở cửa cho người về hưu mà không dùng thẻ ngân hàng. Họ được phép rút 120 euro (133 USD)/tuần. Sau quyết định tuyên bố vỡ nợ trên, ngày 5/7, Hy Lạp sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về đề xuất của các chủ nợ. Ngày 20/7, Hy Lạp bắt buộc phải chuộc lại số trái phiếu trị giá 3,46 tỷ euro mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang nắm giữ. Nếu không, ECB có thể sẽ không cho Hy Lạp tiếp cận bất cứ khoản vay khẩn cấp nào. Đó cũng là lúc, Hy Lạp chính thức ra khỏi Eurozone.
Hậu quả nhãn tiền
Nếu cử tri Hy Lạp bỏ phiếu chống lại đề nghị của các chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây, thì Athens gần như chỉ còn nước bỏ đồng euro và quay trở lại sử dụng đồng nội tệ drachma.
Tuy nhiên, điều đó cũng không đảm bảo Hy Lạp sẽ hồi phục trở lại. Hậu quả nhãn tiền: Suy thoái trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, tiền tiết kiệm của người dân bị mất giá. Người gửi tiền và các nhà đầu tư đổ xô đi rút tiền. Không những thế, Hy Lạp sẽ buộc phải đứng ngoài các thị trường tín dụng quốc tế. Khả năng này là rất lớn khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Hy Lạp sẽ không nhận được thêm bất cứ khoản vay mới nào nếu không trả nợ cho IMF.
Tuy nhiên, bản thân các chủ nợ cũng không thích thú gì viễn cảnh này. Hiện, Hy Lạp đang nợ đến 242,8 tỷ euro; trong đó, Đức là chủ nợ lớn nhất, tiếp theo là Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Vì vậy, vẫn chưa một nguyên thủ nào trong Eurozone dám tuyên bố “đuổi” Hy Lạp.
Điều quan trọng trước mắt, theo các chuyên gia kinh tế là giúp Hy Lạp giải ngân hơn 7,2 tỷ euro (bị ách lại đã gần 1 năm) và đưa ra một kế hoạch hỗ trợ mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận