Tại buổi tiếp, ông Chen Kit Jam, trưởng đoàn IMO cho biết, mục đích cuộc đánh giá của IMO để xác định mức độ mà phía Việt Nam đã thực hiện được trong thực thi các công ước quốc tế và nghị quyết của IMO. IMO đánh giá cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam trong phát triển lĩnh vực hàng hải và mong rằng thông qua cuộc đánh giá lần này có thể hỗ trợ, giúp ngành hàng hải Việt Nam phát triển.
“Chúng tôi sẽ đánh giá khách quan, đưa ra bức tranh tổng thể, tìm ra những điểm mạnh mà cơ quan quản lý Nhà nước đã làm được, có thể là kinh nghiệm cho các quốc gia thành viên khác học hỏi. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị để phía Việt Nam có giải pháp thực hiện”, ông Chen Kit Jam nói.
Đánh giá cao cuộc đánh giá của IMO, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết, phía Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của đoàn đánh giá đưa ra. Vấn đề nào thuộc trách nhiệm Bộ GTVT, Bộ sẽ xây dựng các chương trình, giải pháp triển khai ngay. Vấn đề nào thuộc về thể chế, sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để xem xét điều chỉnh, bổ sung để việc thực hiện các công ước quốc tế tốt hơn. “Mong rằng, sau cuộc đánh giá, quan hệ hợp tác giữa IMO và Bộ GTVT ngày càng tốt đẹp, phát triển”, Bộ trưởng bày tỏ.
Ngay sau buổi tiếp của Bộ trưởng Thể đã diễn ra phiên khai mạc chương trình đánh giá quốc gia thành viên IMO đối với Việt Nam. Tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT, Tổng thư ký Ban thư ký IMO Việt Nam Nguyễn Văn Công bày tỏ, Việt Nam mong muốn thông qua chương trình này, các chuyên gia IMO sẽ giúp Việt Nam xác định mức độ thực hiện và thực thi các văn kiện IMO liên quan đến an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm. Qua đây, Việt Nam thấy được những mặt mạnh và những vấn đề bất cập còn tồn tại của mình một cách khách quan nhất để tiếp tục khắc phục, có hướng điều chỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu của IMO.
“Chương trình đánh giá cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ kỹ thuật từ IMO trong việc nâng cao năng lực thực hiện các văn kiện IMO, góp phần thực hiện mục tiêu chung của Tổ chức là hướng tới sự tuân thủ đồng bộ trên phạm vi toàn cầu”, Thứ trưởng Công nói.
Cũng tại phiên khai mạc, ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, từ năm 1984 Việt Nam đã gia nhập và là thành viên chính thức của IMO. Việt Nam đã triển khai ký kết, công nhận, gia nhập nhiều công ước quốc tế liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hàng hải. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập 24 Công ước quốc tế và Nghị định thư liên quan trong lĩnh vực hàng hải (danh mục gửi kèm theo). Trong đó có 6 công ước và các Nghị định thư liên quan trực tiếp đến công tác an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường thuộc chương trình đánh giá bắt buộc của IMO.
Với trách nhiệm là quốc gia thành viên IMO có tàu treo cờ, quốc gia có cảng, quốc gia ven biển, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn, và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong các hoạt động hàng hải trên biển. Việt Nam cũng rất coi trọng công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận