Thời sự Quốc tế

Indonesia "toát mồ hôi" để dàn xếp Nga-phương Tây trước thềm G20

Giới chức Indonesia kêu gọi lãnh đạo phương Tây giảm bớt chỉ trích đối với Nga nhằm tránh khả năng thượng đỉnh G20 không đạt tuyên bố chung.

Hãng tin Politico dẫn lời 3 quan chức ngoại giao am hiểu tình hình cho biết quan chức cấp cao Indonesia, bao gồm Tổng thống Joko Widodo, đã kêu gọi lãnh đạo Mỹ, châu Âu, Australia, Canada và Nhật Bản “linh hoạt”, xem xét sử dụng từ ngữ bớt cứng rắn hơn với phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra trên đảo Bali ngày 15-16/11.

Theo các nguồn tin, điều này nhằm đảm bảo phái đoàn Nga, dẫn đầu là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, sẽ đồng ý với tuyên bố chung vào cuối hội nghị.

Politico dẫn nguồn tin cho biết, Tổng thống Widodo từng nhiều lần chia sẻ hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ là sự kiện G20 khó khăn nhất từ trước đến nay mà ông từng chủ trì, do đó, việc có thể đưa ra tuyên bố chung tại thượng đỉnh G20 là “thành công" với riêng cá nhân ông.

img

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh - AP

Tổng thống Indonesia cũng nỗ lực để tránh khả năng G20 loại Nga ra khỏi nhóm như quyết định của nhóm các cường quốc công nghiệp G8 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Theo nguồn tin, tại hội nghị lần này, các bên sẽ tập trung vào khía cạnh “tôn trọng luật pháp quốc tế”. Nếu tuyên bố chung được thông qua, ngôn ngữ về phần “tôn trọng luật pháp quốc tế” được dự báo sẽ không gay gắt như tuyên bố chung của G7 trước đó khi Ngoại trưởng các quốc gia thuộc G7 lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Trao đổi với Politico, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: “Hiển nhiên chúng tôi không thể cứng rắn như tại hội nghị của G7 khi vẫn cần sự đồng ý của Nga, Trung Quốc, Arab Saudi (trong hội nghị thượng đỉnh G20). Vấn đề là chúng tôi sẵn sàng đồng ý tới mức độ nào”.

Trung Quốc, Arab Saudi, Ấn Độ và Brazil có quan điểm trung lập về chiến sự tại Ukraine. Đơn cử như Trung Quốc, kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, Bắc Kinh không lên án chiến dịch quân sự của Nga và phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Moscow.

Cũng theo Politico, ngoài tuyên bố chung, Tổng thống Widodo đang phải dàn xếp để tránh việc hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc mà không có ảnh chụp chung của các lãnh đạo. Theo thông lệ, lãnh đạo G20 thường chụp ảnh chung để thể hiện tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, theo Politico, các lãnh đạo phương Tây dường như không muốn chụp ảnh chung cùng đại diện Nga.

Nguồn tin cho rằng ông Widodo đang tìm hiểu quan điểm của các lãnh đạo G20 về việc chụp ảnh kỷ niệm.

Tạp chí Politico chỉ ra, hầu hết nỗ lực vận động hành lang của ông Widodo diễn ra tại Campuchia nơi ông vừa tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 17. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có mặt tại Phnom Penh.

Trao đổi với phóng viên tại Campuchia, Thủ tướng Australia Anthony Albanese xác nhận giới chức các nước đang thảo luận về nội dung tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh G20.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.