Theo hãng tin CNN, tuyến đường sắt cao tốc dài 138km kết nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung, tỉnh West Java, Indonesia đã chính thức đi vào vận hành vào ngày 1/10.
Tuyến đường sắt có tên viết tắt là WHOOSH mang ý nghĩa “Tiết kiệm thời gian, vận hành tối ưu và tin cậy” trong tiếng Indonesia.
Tuyến đường này vận hành bằng năng lượng điện, không phát thải trực tiếp carbon. Tốc độ tối đa của tàu cao tốc vận hành lên tới 350km/h, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ ba giờ xuống còn chưa đầy một giờ.
Các tàu cao tốc được điều chỉnh phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại Indonesia, được trang bị hệ thống an toàn có khả năng ứng phó với động đất, lũ lụt và các tình huống khẩn cấp khác.
Mỗi tàu có 8 toa đều được trang bị Wi-Fi, cổng sạc USB và có sức chứa tổng cộng 601 hành khách thuộc ba hạng ghế: hạng nhất, hạng hai và hạng VIP.
Dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án lên tới 7,3 tỷ USD và 70% số đó do các công ty quốc doanh của Trung Quốc rót vốn.
Dự án do PT Kereta Cepat Indonesia China (PT KCIC) - công ty liên doanh giữa Indonesia và Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng. Ông Dwiyana Slamet Riyadi - Giám đốc PT KCIC ca ngợi dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung “là minh chứng cho kết quả hợp tác song phương giữa Indonesia và Trung Quốc”.
Theo ông Dwiyana, tuyến đường sắt sẽ không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng của Indonesia mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo và đường sắt của quốc gia này.
Trao đổi với truyền thông Trung Quốc vào tháng 9, ông Dwiyana cho biết Indonesia và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng mở rộng tới thành phố Surabaya - thủ phủ tỉnh East Java cũng như xây dựng các ga đường sắt tại các thành phố lớn khác của Indonesia như Semarang và Yogyakarta.
Cũng trong tháng 9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đi thử nghiệm tuyến đường sắt cao tốc này.
Indonesia và Trung Quốc ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Jakarta - Bandung vào năm 2015.
Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường dự kiến hoàn thành vào năm 2019 nhưng nhiều lần bị hoãn đưa vào vận hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chậm trễ trong tiến độ giải phóng mặt bằng và đội chi phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận