Tắc đường khiến Jakarta thiệt hại 5,5 tỷ USD/năm. |
Tình trạng quá nhiều xe cá nhân đẩy Thủ đô Jakarta (Indonesia) vào tình trạng tắc đường tồi tệ nhất thế giới; Dù giới chức thực thi rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề.
Thiệt hại 5,5 tỷ USD/năm
Tình trạng tắc nghẽn khiến tốc độ trung bình tại Thủ đô 10 triệu dân Jakarta là 8km/h, gây thiệt hại về kinh tế lên tới 5,5 tỷ USD/năm, theo số liệu mới nhất năm 2016. Cùng một quãng đường nếu đi mất khoảng nửa tiếng vào ban đêm nhưng có thể lên tới 4-8 tiếng vào ban ngày. Theo số liệu mới nhất về Chỉ số dừng nghỉ của Castrol - Magnatec, Jakarta đứng cuối bảng trong khảo sát 78 thành phố lớn về tắc đường.
Tiếng xấu về tắc đường tại Jakarta kinh khủng đến nỗi ông Henrik Paulsson, một nhà phân tích Singapore, trong một lần công tác tại Jakarta đã phải đi sớm 2 giờ nhưng vẫn mắc giữa đường suốt 3 giờ đồng hồ mới đến được sân bay để về Singapore.
Tờ Today dẫn lời các chuyên gia giao thông cho biết, nguyên nhân chính rất đơn giản, quá nhiều phương tiện cá nhân trong khi hệ thống giao thông còn hạn chế. Tiến sĩ Siwage Dharma Negara, trợ lý điều phối viên chương trình Nghiên cứu Indonesia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng khẳng định, tắc đường tại Jakarta phần lớn do hệ thống đường bộ phát triển quá chậm so với tỉ lệ phát triển của phương tiện. Tiến sĩ Juni Thamrin, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách cộng đồng của Indonesia cho biết, tốc độ phát triển đường sá chỉ khoảng 0,01% trong khi tỷ lệ sử dụng xe cá nhân tăng 11%.
Xem thêm video:
Mặt khác, theo ông Thamrin, Jakarta hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện, trong đó phương tiện cá nhân chiếm 6,4 triệu, phần còn lại là phương tiện công cộng. Tiến sĩ Negara lý giải sự chênh lệch vì hệ thống giao thông công cộng Jakarta không đáng tin cậy nên người dân chọn phương tiện cá nhân cho an toàn.
Chính phủ “bó tay”
Các vấn đề giao thông chồng chéo, đan xen khiến giới chức loay hoay hàng chục năm vẫn không thể giải quyết. Trong số các biện pháp từng thực hiện, chính sách “3 trong 1”, chỉ cho phép ô tô chở ít nhất ba người mới có thể vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm buổi sáng và tối. Nhưng sau một thời gian thực thi, không mang lại kết quả; Thậm chí, còn làm nảy sinh tiêu cực (dịch vụ cho thuê người để đủ tiêu chuẩn vào nội đô). Cuối cùng, đầu năm nay, phương án này bị xóa bỏ.
Hiện, chính quyền thành phố đang nghiên cứu đề án cấm xe theo biển chẵn, lẻ, trong đó những phương tiện có biển chẵn sẽ được lưu thông trong ngày chẵn; Những xe có biển lẻ sẽ được lưu thông trong ngày lẻ. Song, kế hoạch vẫn còn trên giấy tờ.
Đánh giá về thất bại của Chính phủ trong chính sách “3 trong 1”, ông Negara cho biết, sở dĩ biện pháp này thất bại vì thiếu sự nghiêm túc trong thực thi. Giới chức vẫn làm ngơ cho dịch vụ “thuê người lên xe” hoạt động. Một vấn đề khác, mặc dù biện pháp này có thể giảm thiểu tình hình tắc đường tại khu vực trung tâm, nhưng đặt áp lực nặng nề lên giao thông các tuyến thứ cấp.
Tàu điện ngầm chữa “bách bệnh”?
Biện pháp được coi là khả thi và giá cả phải chăng nhất đang được chú ý là xây dựng hệ thống tàu điện ngầm MRT (Mass Rapid Transit - mạng lưới giao thông công cộng cao tốc) trị giá 1,7 tỷ USD, dự kiến giúp giảm 25.500 phương tiện/ngày. Hệ thống MRT này dài 14,5km, dẫn từ vùng ngoại ô phía Nam Jakarta vào trung tâm Thủ đô.
Theo kế hoạch mới nhất, giai đoạn đầu tiên của hệ thống tàu điện ngầm sẽ đưa vào hoạt động 13 sân ga trong năm 2018. Giai đoạn 2 với 8 nhà ga hoạt động vào năm 2020. Nhận định về biện pháp này, Tiến sĩ Negara cho rằng, hệ thống tàu điện ngầm không phải là “phương thuốc trị bách bệnh” trong các vấn đề giao thông của Indonesia, chỉ có thể phục vụ một khu vực tương đối nhỏ của Jakarta. Cũng theo ông, giới chức địa phương vẫn cần giải quyết số lượng phương tiện đang tăng nhanh chưa từng có.
Tiến sĩ Negara và Tiến sĩ Charlotte Armanda Setijadi, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, hệ thống tàu điện ngầm không thể ngăn người dân từ bỏ mong muốn sở hữu phương tiện cá nhân; Bởi yếu tố “có nhà, có xe” vốn là biểu tượng sự giàu có và thanh thế của người dân nơi đây.
Hơn hết, dù đề xuất phương án nào, cải thiện hạ tầng hiện đại đến đâu nhưng không cải thiện được thói quen và lối nghĩ không tôn trọng Luật Giao thông thì căn bệnh tắc đường vẫn sẽ mãi là muôn thuở. “Người dân cần tôn trọng luật pháp. Người dân thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình. Họ chỉ muốn đi nhanh hơn, về sớm hơn theo cách thuận tiện, thoải mái nhất mà không để ý tới lợi ích của những người khác”, ông Negara nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận