Giao thông

iParking Hà Nội liên tiếp trục trặc sau 2 năm thí điểm

08/10/2019, 10:02

Sau 2 năm thí điểm, mô hình iParking bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và nhà quản lý.

img
Nhiều khách hàng vẫn phải nhờ nhân viên tại các điểm iParking hướng dẫn cách thanh toán (Chụp trên phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Khánh Linh

Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các ngành để khắc phục bất cập, sớm hoàn thiện ứng dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ trông giữ xe iParking sau hơn 2 năm thí điểm.

Tạm dừng vì quá nhiều bất cập

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại hầu hết các điểm được cấp phép trông giữ xe ứng dụng iParking vẫn xuất hiện tình trạng nhân viên xé vé giấy, khách hàng trả tiền mặt không khác so với gửi xe truyền thống. Với hình thức này có thể gây ra thất thoát, thiếu minh bạch.

Có mặt tại điểm trông giữ xe ứng dụng iParking trên phố Lý Thường Kiệt, quan sát của PV, nhân viên của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vẫn phải ghi chép từng mã vé giấy. Khi hỏi về việc sử dụng ứng dụng iParking, nhân viên tại các điểm trông giữ xe đều cho biết: “Hệ thống đang tạm dừng để xử lý bất cập”.

Trao đổi với Báo Giao thông về thực tế này, ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, ứng dụng phần mềm iParking đã kết nối với cổng thanh toán quốc gia (Napas), cho phép thanh toán bằng các loại thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Master), thẻ ghi nợ nội địa (ATM), internet banking và nhà mạng di động Viettel.

“Tuy nhiên, các nhà mạng khác như: Vinaphone, Mobifone không thanh toán được vì chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép trung gian thanh toán không dùng tiền mặt. Song, thực tế người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán bằng tin nhắn di động (đầu số 9556) hay trục trặc”, ông Đức thông tin.

Ông Đức cũng nêu ví dụ tại điểm trông giữ phương tiện 24-26 phố Trần Hưng Đạo, chủ xe BKS 30E-419.95 đã phải nhắn tin nhiều lần tới đầu số 9556, nhưng hệ thống đều báo bận, yêu cầu khách hàng phải thao tác lại. Tuy nhiên, sau đó trên hệ thống thanh toán vẫn trừ tiền của khách tới 3 lần trong khi khách chỉ sử dụng dịch vụ 1 lần, dẫn tới bức xúc không đáng có. Tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến, nên sau đó việc thanh toán qua đầu số 9556 phải dừng lại.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, mô hình iParking bộc lộ một số bất cập như: Hệ thống phần mềm quản lý và thiết bị giám sát chưa kiểm soát được lượt xe ra - vào và thời gian đỗ xe tại các điểm trông giữ để làm cơ sở đối chiếu doanh thu cũng như xử lý các trường hợp vi phạm không nhập xe gửi vào hệ thống; hoặc xe gửi quá giờ quy định; vẫn còn tình trạng nhân viên thanh toán hộ khách hàng (bằng tiền mặt), nên tiềm ẩn nguy cơ thất thoát... Ngoài ra, còn những bất cập về tính pháp lý của đơn vị quản lý phần mềm.

Theo ông Tuấn, sau thời gian thí điểm, hiện Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và Công ty CP Đầu tư CIS đều có văn bản báo cáo và được thành phố chấp thuận tạm dừng hoạt động trông giữ xe theo mô hình iParking.

Nâng cấp, khắc phục tồn tại từ hệ thống phần mềm

Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình trông giữ xe iParking kể từ tháng 4/2017 tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Trong đó, Công ty CP Đầu tư CIS cung cấp toàn bộ phần mềm giải pháp công nghệ và Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vận hành. Tháng 7/2018, UBND TP Hà Nội cho phép nhân rộng tại nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Từ ban đầu chỉ có Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội triển khai, hiện đã có 13 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trông giữ xe theo mô hình iParking.


Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, ứng dụng iParking tuy còn tồn tại bất cập nhưng đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trông giữ phương tiện. iParking giúp minh bạch về giá, hạn chế thất thoát, hỗ trợ người điều khiển phương tiện tìm chỗ đỗ.

iParking cũng góp phần tạo ra loại hình dịch vụ văn minh, là cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh chung của thành phố. Kết quả từ khi thí điểm đến tháng 9/2019 cho thấy, doanh thu từ trông giữ phương tiện tăng 200%.

Theo thống kê của Sở GTVT, Hà Nội hiện có khoảng 700.000 ô tô, chưa kể xe ngoại tỉnh và xe của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Trong khi đó, tổng diện tích đỗ xe theo mô hình iParking của 13 doanh nghiệp mới chỉ khoảng 11.000 chỗ, đáp ứng được 1,5% nhu cầu. Nếu đơn vị chức năng có cách làm tốt, mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng, thu hút nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo giao Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cùng Công ty CP Đầu tư CIS tiếp tục thí điểm vận hành ứng dụng iParking ngay trong tháng 10/2019. Hiện, hai đơn vị nói trên đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội gia hạn giấy phép tại 95 điểm trông giữ, đồng thời thực hiện các công tác chuẩn bị. Trong quá trình tiếp tục thí điểm, các bất cập hiện và phát sinh mới sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ.

“Để mô hình này hoạt động hiệu quả, Sở GTVT kiến nghị thành phố yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm iParking nâng cấp hệ thống nhằm bảo đảm kiểm soát được lượng xe ra - vào điểm đỗ. Cùng đó, yêu cầu các đơn vị trông giữ xe lắp đặt camera giám sát truyền dữ liệu về đơn vị quản lý phần mềm và cơ quan quản lý nhà nước để cùng giám sát hoạt động tại các điểm trông giữ xe nhằm bảo đảm tránh thất thoát”, ông Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.