Khả năng Iran tung "át chủ bài" ra trận
Theo tờ Guardian, quyết định phóng 180 quả tên lửa đạn đạo nhằm về phía Israel cho thấy Tehran quyết tâm gây ra những thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc không kích đêm 1/10.
Điều này hoàn toàn khác biệt so với đợt tấn công dồn dập bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran hồi tháng 4 vốn được đánh giá chủ yếu mang tính răn đe, cảnh báo nhiều hơn.
Đáng chú ý, tốc độ siêu thanh của những quả tên lửa đạn đạo mà Iran sử dụng lần này đã gây ra những thách thức thực sự cho Israel trong việc đánh chặn. Dù vậy, những báo cáo sơ bộ cho thấy đã không có thương vong trong lãnh thổ Israel và chỉ có 1 người tử vong ở khu Bờ Tây sau đợt tập kích bằng tên lửa của Iran.
Trong đợt không kích lần này, Iran sử dụng 2 loại tên lửa đạn đạo siêu thanh là Emad và Ghadr, biến thể của dòng Shahab-3, có thể đạt tới vận tốc Mach 6 (gấp 6 lần vận tốc âm thanh tương đương 7.400km/h) và chỉ mất khoảng 12 phút bay từ Iran sang Israel.
Theo chuyên gia Patrick Senft tại Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí (ARES), Shahab-3 là nền tảng cho mọi dòng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran sử dụng nhiên liệu lỏng. Shahab-3 dường như được phát triển dựa trên dòng Scud của Liên Xô và là loại tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran có thể bắn tới Israel.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải "át chủ bài" mạnh nhất mà Iran được cho là triển khai trong đợt không kích ồ ạt đêm 1/10.
Mọi sự chú ý đổ dồn vào thông tin từ hãng tin Mehr News của Iran công bố về sự xuất hiện lần đầu tiên của tên lửa siêu vượt âm Fattah-2.
Được biết, Fattah là dòng tên lửa siêu vượt âm do Iran tự chế tạo. Quân đội Iran lần đầu hé lộ thông tin về loại vũ khí này vào cuối năm ngoái. Theo đó, Fattah-2 có khả năng đạt tốc độ Mach 15 (tương đương 16.000km/h) và có thể tấn công tiêu diệt hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Dù vậy, các chuyên gia vũ khí vẫn hoài nghi về khả năng Iran đã phóng tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 trong đợt không kích Israel lần này.
"Fattah-2 là một trong những loại tên lửa đạn đạo mới nhất của Iran và họ có quá nhiều thứ để mất khi quyết định triển khai. Trước hết, Israel sẽ có được thông tin về năng lực tấn công của Fattah-2 ngay khi được phóng đi. Có thể, Iran sẽ chẳng thiệt hại gì nếu chỉ tuyên bố đã sử dụng Fattah-2 trong đợt không kích Israel mà còn được truyền thông miễn phí", ông Trevor Ball, cựu kỹ sư chất nổ thuộc Lục quân Mỹ nhận định.
Một quả tên lửa 100.000 USD của Iran khiến Israel phải dùng tên lửa triệu đô chống đỡ
Theo ước tính của Mỹ từ hơn hai năm trước, Iran sở hữu khoảng 3.000 quả tên lửa đạn đạo. Con số này đến nay được cho là có thể đã cao hơn rất nhiều bởi Iran muốn dự trữ số lượng lớn loại vũ khí này đề phòng xung đột với Israel leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực.
Với số lượng lớn tên lửa đạn đạo được phóng đi chỉ trong vòng vài phút trong đêm 1/10, Iran đã thể hiện ý định hòng gây quá tải cho hệ thống phòng không của Israel vốn rất phức tạp và đắt đỏ.
Về cơ bản, việc ngăn chặn tên lửa đạn đạo của đối phương là nhiệm vụ chính của hệ thống tên lửa tầm xa Arrow-3 và Arrow-2 do Mỹ và Israel hợp tác chế tạo. Arrow-3 và Arrow-2 được sử dụng lần đầu trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas tháng 10/2023 và được yểm trợ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung David's Sling.
Trong khi đó, hệ thống Vòm Sắt trứ danh của Israel là hệ thống đánh chặn tầm ngắn, thường được sử dụng để bắn hạ những quả rocket mà Hamas bắn vào dải Gaza.
Hồi tháng 4, một cựu cố vấn tài chính cho Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Israel dự tính mỗi quả tên lửa Arrow phóng đi tiêu tốn khoảng 3,5 triệu USD, còn với những quả tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ David's Sling, con số này vào khoảng 1 triệu USD.
Chính vì thế, việc đánh chặn hàng trăm quả tên lửa của Iran sẽ khiến Israel tiêu tốn hàng trăm triệu USD trong khi chi phí sản xuất mỗi quả tên lửa của Iran chỉ tốn khoảng 100.000USD.
Bên cạnh đó, trong đợt không kích Israel hồi tháng 4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết nước này đã báo trước tới 72 giờ về kế hoạch tấn công cho các nước láng giềng. Ngoài ra, cuộc tấn công đã diễn ra tới 14 ngày sau vụ Israel đánh bom Đại sứ quán Iran tại Syria.
Tuy nhiên, trong đợt tấn công đêm 1/10, Iran đã hành động chỉ vài ngày sau vụ Israel hạ sát thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 27/9 và không hề thông báo trước về kế hoạch tấn công.
Chỉ vài giờ trước khi vụ tập kích tên lửa diễn ra, các nguồn tin của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về khả năng Iran sẽ tấn công Israel. Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào Mỹ có được thông tin nói trên, có thể từ hình ảnh vệ tinh, nghe lén hoặc qua con đường ngoại giao.
Trong loạt 180 quả tên lửa của Iran, có những quả đánh trúng vào 2 căn cứ Không quân của Israel là Nevatim và Tel Nof dù không gây ra thiệt hại đáng kể. Tổng hành dinh cơ quan tình báo Israel Mossad cũng bị loạt tên lửa Iran tập trung hỏa lực nhưng đều đã bị đánh chặn và rơi gần đó.
Không quân Israel khẳng định sẽ tiếp tục các đợt không kích ở Trung Đông và nhấn mạnh chiến dịch tấn công bằng tên lửa của Iran không ảnh hưởng đến năng lực tác chiến của họ.
"Không quân Israel sẽ tiếp tục hoạt động hết công suất và sẽ tiếp tục tấn công mạnh mẽ ở Trung Đông như suốt trong một năm qua", người phát ngôn Quân đội Israel Daniel Hagari tuyên bố đêm 1/10. Ông Hagari cam kết Israel sẽ tiếp tục truy diệt các thủ lĩnh của Hezbollah và bất kỳ ai dám đe dọa đến người dân Israel.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận