Ngoại trưởng Iran - Mohammad Javad Zarif (trái) và Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry |
Hôm nay (21/6), Quốc hội Iran sẽ bỏ phiếu một dự luật về đàm phán hạt nhân, theo IRNA.
Dự luật nói trên yêu cầu chính phủ đảm bảo các thành tựu và quyền phát triển hạt nhân của Iran, đồng thời yêu cầu ngoại trưởng báo cáo định kỳ 6 tháng một lần tiến trình thực thi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng.
Dự luật cũng đòi hỏi kết quả đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc và Đức) sẽ chỉ có giá trị nếu đáp ứng 3 điều kiện: Dỡ bỏ hoàn toàn và đồng thời mọi biện pháp trừng phạt vào ngày ký kết thỏa thuận; Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được phép thanh sát các cơ sở hạt nhân thuộc quyền quản lý của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, song không được phép tiếp cận các cơ sở quân sự, an ninh và phi hạt nhân "nhạy cảm", cũng như các tài liệu và các nhà khoa học hạt nhân của nước này; Iran được phép tiếp cận không hạn chế các kiến thức, công nghệ hạt nhân hòa bình, các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các lĩnh vực "được chấp nhận”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vừa khẳng định nước này không bị sức ép thời gian để đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Nhóm P5+1. Ông này cũng cho biết các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài quá thời hạn chót ngày 30/6 tới, theo Press TV.
Theo ông Javad Zarif thì Tehran muốn tiếp tục các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được một kết luận, và cho rằng đây là cách tiếp cận "tốt hơn" so với việc mở rộng đàm phán". Tuy nhiên, ông Zarif cũng chỉ trích nhóm P5+1 vì đã đưa ra những "yêu sách thái quá" trong quá trình đàm phán, đồng thời tuyên bố Iran sẽ không chịu lùi bước trước các áp lực đó.
Trước đó, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Hassan Firouzabadi khẳng định nước này sẽ không cho phép người nước ngoài tiếp cận các địa điểm quân sự của nước này với lý do thanh sát hạt nhân.
Thiếu tướng Hassan Firouzabadi tuyên bố vì lợi ích quốc gia và an ninh của mình sẽ không cho phép người nước ngoài, những người chống đối và thù địch tiếp cận hoặc thanh tra các cơ sở quân sự trong khuôn khổ bất kỳ thỏa thuận, đồng thời khẳng định vấn đề này là "giới hạn đỏ".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận