Iran không thiếu phương án đáp trả
Theo Reuters, vụ không kích đầu tuần này của Israel khiến 2 tướng lĩnh và 5 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng diễn ra trong bối cảnh Israel đang tăng tốc chiến dịch tấn công nhằm vào Iran và những tổ chức vũ trang mà nước này hậu thuẫn.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã lên tiếng khẳng định sẽ trả thù mạnh mẽ cho những người thiệt mạng trong vụ việc này.
Hai trong số những phương án dễ nhận thấy nhất trong đó là việc Iran có thể sử dụng những lực lượng ủy nhiệm tấn công trực tiếp vào Israel hoặc gia tăng chương trình hạt nhân mà Mỹ và các đồng minh luôn tìm cách ngăn chặn.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, giới chức nước này đang theo dõi sát sao nhất cử nhất động của các tổ chức được Iran hậu thuẫn để xem liệu có định tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq hay Syria như từng làm trước đây hay không.
Những vụ tấn công như vậy từ phía Iran đã tạm ngưng trong tháng 2 sau khi Washington tiến hành hàng loạt các vụ không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria hay Iraq được cho là có liên hệ với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các nhóm phiên quân mà lực lượng này hậu thuẫn để trả đũa cho việc 3 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Jordan bị thiệt mạng hồi tháng 1.
Theo CNN bản thân Mỹ cũng tìm cách né tránh liên quan đến vụ tấn công của Israel. Người phát ngôn của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định chính quyền của ông Biden không liên quan trong vụ việc này và không được biết trước kế hoạch của Israel. Phía Mỹ đã tiến hành "liên lạc trực tiếp với Iran sau vụ việc".
Cho đến thời điểm này, giới chức Mỹ cho biết chưa nhận được thông tin tình báo nào cho thấy các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn tìm cách tấn công vào các binh sĩ Mỹ sau vụ không kích của Israel. Giới chức Mỹ phát đi cảnh báo rằng Tehran không nên tìm cách tấn công vào các lực lượng của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ binh sĩ của mình và muốn nhắc lại lời cảnh báo trước đây của Mỹ tới Iran và các tổ chức được Iran ủy nhiệm rằng đừng lợi dụng tình hình hiện nay để nối lại các cuộc tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ", Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood tuyên bố.
Nhưng muốn tránh chiến tranh toàn diện
Trong khi đó, một nguồn tin theo dõi sát những diễn biến trong những ngày qua nhận định, Iran đang rơi vào tình thế khó xử khi vừa muốn có đòn đáp trả mạnh mẽ để răn đe Israel thực hiện các vụ không kích tương tự, mặt khác lại muốn tránh chiến tranh toàn diện bùng phát.
"Họ thực sự đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi nếu chọn cách đáp trả, nhiều khả năng sẽ phải đón nhận một tình thế đối đầu không hề mong muốn. Iran đang cân nhắc phương án tốt nhất để vừa cho thấy có thể đáp trả mạnh nhưng lại không làm leo thang căng thẳng", nguồn tin này đánh giá.
Chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Elliott Abrams cho rằng, Iran không muốn chiến tranh toàn diện bùng phát với Israel song nước này vẫn có thể nhắm đến các mục tiêu mà Israel có lợi ích ở nước ngoài.
"Tôi nghĩ vào thời điểm hiện tại, Iran không muốn có một cuộc chiến tranh Israel-Hezbollah trên diện rộng, chính vì thế, hành động trả đũa sẽ không đến từ các hoạt động quy mô lớn nào của Hezbollah. Iran có rất nhiều cách để đáp trả ví dụ như tấn công Đại sứ quán Israel", ông Abrams nói thêm.
Trong khi đó, bà Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông - Bắc Phi thuộc Viện Chatham House có trụ sở ở London, cho rằng, Iran sẽ không làm như vậy bởi họ không muốn "đánh mất những lợi thế có được từ vụ không kích của Israel.
Thay vì thế, theo bà Vakil, Iran sẽ tìm cách "thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế lên án cuộc chiến tại Dải Gaza mà Israel đang tiến hành qua đó từng bước khiến Israel bị cô lập hơn". Tôi nghĩ Iran đang chơi nhiều quân bài khác nhau cùng một lúc", bà Vakil nói và chỉ ra những con bài này bao gồm tấn công mạng, đối đầu quân sự trên quy mô nhỏ thông qua các lực lượng ủy nhiệm và công kích ngoại giao.
Iran cũng có thể phản ứng bằng cách đẩy nhanh hơn nữa chương trình hạt nhân mà nước này vẫn đang đẩy mạnh kể từ sau khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ năm 2018 tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 khi Iran chấp thuận ngừng việc phát triển hạt nhân để đổi lấy những lợi ích khác về kinh tế.
Tuy nhiên, hai kịch bản được xem là nhiều rủi ro nhất đối với Iran, bao gồm tăng khả năng làm giàu urani lên 90% - mức tương đương với việc sản xuất bom hạt nhân hoặc hồi sinh kế hoạch thiết kế một loại vũ khí hạt nhân thực sự có thể gây phản tác dụng và khiến cả Israel và Mỹ tăng cường các cuộc tấn công.
"Cả hai kịch bản trên sẽ bị Israel và Mỹ coi là một quyết định phát triển bom hạt nhân của Iran. Chính vì thế đều hàm chứa rất nhiều rủi ro. Họ có sẵn sàng làm như vậy không? Tôi nghĩ là không", nguồn tin giấu tên chia sẻ.
Ông Jon Alterman, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nhấn mạnh, khó có khả năng Iran đáp trả mạnh mẽ trên quy mô lớn cho vụ Đại sứ quán của nước này ở Syria bị không kích. "Iran sẽ không quan tâm đến việc đáp trả Israel bằng việc phải thể hiện cho các đồng minh ở Trung Đông thấy họ không hề yếu kém", ông Jon Alterman nhấn mạnh.
Vụ không kích của Israel vào Đại sứ quán Iran tại Syria là vụ tấn công lớn nhất vào các mục tiêu Iran kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2020 ra lệnh ám sát tư lệnh hàng đầu của Iran Quassem Soleimani.
Vụ việc lần này có thể coi là bước leo thang nghiêm trọng trong khu vực khi mục tiêu mà Israel nhắm tới là dinh thự ngoại giao và Iran hoàn toàn có thể coi đây là cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ của họ theo luật pháp quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận