Rút quân khỏi Dải Gaza
Ngày 7/4, đại diện Quân đội Israel tuyên bố đã rút toàn bộ lực lượng cơ động trên bộ ra khỏi phía Nam Dải Gaza, chỉ duy nhất giữ lại một lữ đoàn đồn trú tại khu vực hành lang Netzarim cắt ngang qua vùng đất.
Cụ thể vào sáng sớm nay, Sư đoàn 98 đã rút khỏi TP miền nam Khan Younis sau 4 tháng giao tranh liên tiếp. Chia sẻ với Reuters, người dân Palestine ở Khan Younis cho biết họ đã chứng kiến lực lượng Israel rời khỏi trung tâm, rút lui về phía đông.
Riêng lữ đoàn Nahal sẽ ở lại Dải Gaza để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hành lang Netzarim, dải đất xuất phát từ khu vực Beeri của Israel, cắt ngang qua Gaza và kết thúc tại bờ biển Địa Trung Hải.
Theo tờ Times of Israel, Hành lang Netzarim tạo điều kiện cho quân đội Israel triển khai các cuộc tấn công vào phía bắc và thành phố trung tâm của Gaza, ngăn chặn người Palestine quay trở lại phía bắc và cho phép các tổ chức nhân đạo viện trợ trực tiếp vào bắc Gaza.
Truyền thông Israel cho rằng động thái rút quân khỏi miền nam Gaza tương tự việc quân đội rút quân khỏi phía bắc sau các cuộc tấn công trên bộ đầu tiên vào năm ngoái, chỉ trở lại để tiến hành các chiến dịch quy mô nhỏ, mang tính cục bộ.
Tuy nhiên tờ Reuters cho biết kể từ đầu năm nay, quân đội Israel đã phải giảm quân số ở Gaza để giải tỏa lực lượng dự bị và vì Israel đang chịu áp lực ngày càng gay gắt từ Mỹ trước tình hình nhân đạo thảm khốc tại Gaza.
Truyền thông Israel cho biết, việc rút quân khỏi phía nam Gaza không ảnh hưởng đến kế hoạch tấn công vào Rafah của Israel, nơi hơn 1,5 triệu trong tổng số 2,3 triệu người Gaza đang lánh nạn. Trong đó dự kiến Israel có thể huy động một số lượng đáng kể lực lượng dự bị mới.
Lãnh đạo Israel trước đó đều bày tỏ quyết tâm đánh Rafah, coi đây là thành trì quan trọng của lực lượng Hamas.
Những mối đe dọa mới
Theo Reuters, sáu tháng giao tranh ở Dải Gaza đã gây ra căng thẳng cho quân đội Israel và nền kinh tế nước này. Trong khi đó, nhiều chuyên gia an ninh Israel nhận định, giờ đây họ nhận thấy mối đe dọa nghiêm trọng hơn từ lực lượng Hezbollah ở miền nam Li Băng.
Israel cũng đang đặt dưới tình trạng cảnh giác cao độ về khả năng Iran tiến hành các hoạt động tấn công trả đũa nhằm đáp trả vụ tấn công Đại sứ quán Iran tại Syria khiến các tướng lĩnh cấp cao của Iran thiệt mạng.
Không chỉ vậy, gần đây, Tổng thống Joe Biden cũng liên tục gây áp lực, yêu cầu Israel phải cải thiện tình hình nhân đạo ở Dải Gaza, nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn, khẳng định tài trợ của Mỹ sẽ phụ thuộc vào hành động của Israel.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên ông Biden, vốn được coi là có mối quan hệ thân cận với Israel, tìm cách sử dụng tài trợ của Mỹ để gây sức ép đến kế hoạch hành động quân sự của Israel.
Tổng thống Biden cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Ai Cập và Qatar gây áp lực, buộc Hamas phải đồng ý ngừng bắn và đưa ra các thỏa thuận về con tin trong vòng đàm phán hòa bình mới ở thủ đô Cairo (Ai Cập).
Tuy nhiên đến nay, Israel vẫn chưa xác nhận chính thức về khả năng cử phái đoàn tới Cairo để tham gia đàm phán hòa bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận