Italy được gì sau 4 năm tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường?
Theo SCMP, có nhiều dấu hiệu cho thấy Italy đang cân nhắc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sau 4 năm gia nhập dự án. Vào năm 2019, Italy là quốc gia đầu tiên thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) quan tâm tới việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tới thời điểm hiện tại, Italy vẫn là thành viên duy nhất thuộc nhóm G7 ký biên bản ghi nhớ (MOU) tham gia dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ của Bắc Kinh. Bản ghi nhớ sáng kiến với Trung Quốc được ký dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Giuseppe Conte, bao gồm thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng cho tới khám phá không gian, năng lượng.
Tuy nhiên, theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Italy dường như chưa thu được nhiều lợi ích kinh tế sau 4 năm tham gia dự án.
Ảnh minh họa
Các khoản đầu tư liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Italy giảm từ 2,51 tỷ USD vào năm 2019 xuống 810 triệu USD vào năm 2020, theo dữ liệu từ Trung tâm Phát triển và Tài Chính Xanh, Đại học Phục Đán, Trung Quốc.
Ngoài ra, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại Italy cũng giảm từ 650 triệu USD vào năm 2019 xuống còn 20 triệu USD vào năm 2020 và 33 triệu USD năm 2021, theo dữ liệu từ công ty phân tích dữ liệu Rhodium Group.
Trong khi đó, vốn FDI của Trung Quốc tại Đức và Pháp lần lượt là 1,9 tỷ USD và 1,8 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Rhodium Group, Phần Lan, Đức, Anh, Pháp và Hà Lan là những quốc gia châu Âu nhận được các khoản đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc trong giai đoạn 2019-2021, dù không tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc ChinaMed - ông Enrico Fardella cho rằng: “Italy không thu được lợi ích về kinh tế trong khi các quốc gia EU khác không ký biên bản MOU sáng kiến với Trung Quốc lại thu được nhiều lợi ích hơn”.
Tuy nhiên, cần phải xem xét xu hướng này trong bối cảnh các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu nói chung có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây, giảm xuống 8,4 tỷ USD vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 2013.
Theo SCMP, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên một phần là do chính sách thắt chặt kiểm soát các nguồn đầu tư nước ngoài của EU do lo ngại liên quan đến các khoản đầu tư của Trung Quốc vào tài sản chiến lược. Italy cũng đi theo cách tiếp cận trên, chính phủ nước này sẵn sàng can thiệp để bảo vệ các công ty chiến lược.
Cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi từng sử dụng quyền can thiệp này vài lần để ngăn cản Trung Quốc tiếp quản các doanh nghiệp Italy trong một số lĩnh vực chiến lược nhạy cảm, bao gồm 2 thỏa thuận liên quan tới chất bán dẫn.
Hay như trong trường hợp cảng bận rộn nhất Italy - cảng Trieste. Theo biên bản ghi nhớ sáng kiến, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc) được quyền hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại cảng.
Cảng Trieste là cửa ngõ quan trọng để vào hành lang trên bộ nối biển Adriatic tới biển Baltic ở phía Bắc châu Âu. Do đó, các quốc gia phương Tây lo ngại thỏa thuận có thể cho phép Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng ở châu Âu.
Ông Philippe Le Corre, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng, vì cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc dưới thời cựu Thủ tướng Mario Draghi và thực tế không có nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường được đầu tư tại Italy, có thể là những lý do khiến quốc gia này có thể rút lui khỏi sáng kiến.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Italy
Theo kế hoạch, biên bản ghi nhớ sáng kiến giữa Trung Quốc và Italy sẽ hết hiệu lực vào năm tới và sẽ tự động được gia hạn thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, theo SCMP, có nhiều dấu hiệu cho thấy Italy đang cân nhắc rút khỏi sáng kiến này.
Thông tin về khả năng Italy rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường xuất hiện sau khi liên minh của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/2022.
Ngay từ khi tranh cử, bà Meloni đã cho rằng Italy “đã phạm sai lầm lớn” khi ký biên bản tham gia sáng kiến vào năm 2019.
Ông Wang Yiwei, giáo sư tại Đại học Renmin nhận định, Italy đang chịu áp lực từ châu Âu buộc phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc trong bối cảnh khu vực này đang tìm cách giảm phụ thuộc về kinh tế vào Bắc Kinh.
Ông Zha Daojiong, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đánh giá, việc Italy rút khỏi thỏa thuận có thể gây ảnh hưởng trong giai đoạn ngắn tới quan hệ giữa Rome và Bắc Kinh, nhưng ảnh hưởng về kinh tế đối với 2 quốc gia là không đáng kể.
Tuy nhiên, ông Nicola Casarini - chuyên gia tại tổ chức Istituto Affari Internazionali có trụ sở tại Rome lại cho rằng, việc gia hạn bản ghi nhớ với Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho các công ty Italy dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trái lại, nếu quyết định rút khỏi thỏa thuận, Italy cần lường trước khả năng phản ứng từ Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể chuyển hướng hoạt động thương mại từ Italy sang các quốc gia châu Âu khác như Đức, Pháp.
“Đây không phải quyết định dễ dàng. Chấm dứt thỏa thuận sẽ củng cố lập trường của Italy trong việc ủng hộ phương Tây nhưng cái giá phải trả là ảnh hưởng tới quan hệ giữa Italy - Trung Quốc”, theo ông Casarini.
Ngoài ra, theo SCMP, Chính phủ của bà Meloni ủng hộ cách tiếp cận của EU và NATO trong việc phản đối thay đổi hiện trạng tại Eo biển Đài Loan và dường như đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Đài Bắc.
Ông Casarini cho rằng, việc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ tạo điều kiện cho việc hợp tác, đầu tư giữa Đài Loan và Italy nhưng vẫn chưa đủ bù đắp tổn thất từ ảnh hưởng tới trao đổi thương mại song phương giữa Trung Quốc và Italy.
Đông Nam Á nổi lên thành trọng tâm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường
Hiện nay, Trung Quốc đang chuyển từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn sang dự án kỹ thuật số, dự án về sức khỏe hay hướng đến tăng trưởng xanh để dễ dàng quản lý rủi ro kinh tế hơn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Đông Nam Á đã nổi lên là khu vực đầu tư trọng tâm mới của sáng kiến, với những quốc gia như Singapore, Malaysia, Campuchia ghi nhận số lượng dự án thuộc sáng kiến tăng mạnh trong năm qua.
Một cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho rằng, dù châu Âu vẫn là một trọng tâm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng Bắc Kinh cần thay đổi cách tiếp cận tại châu lục này trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc - EU gia tăng.
Một số dấu hiệu của việc thay đổi cách tiếp cận đã được thể hiện vào tháng 2 khi nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani, ca ngợi tiềm năng hợp tác giữa 2 quốc gia trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận