Ông Joe Biden. Ảnh: Investo
Tổng thống đắc cử Joe Biden đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất về cách tiếp cận của ông đối với cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm và các mối quan hệ kinh tế, thương mại tổng thể với Trung Quốc.
Tuyên bố “cứng rắn”
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times, ông Joe Biden nói rằng, không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh áp thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc ngay khi nhậm chức.
Thay vào đó, ông Biden nhấn mạnh muốn triển khai một cuộc xem xét toàn diện thỏa thuận thương mại hiện hành với Trung Quốc và sẽ tham vấn các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Á và châu Âu nhằm phát triển một “chiến lược toàn diện”.
Theo đó, chính quyền mới của ông sẽ theo đuổi một chính sách thương mại thực sự dẫn tới tiến bộ trong việc ứng phó với các “cơ chế lạm dụng của Trung Quốc”, ví dụ như sở hữu tài sản trí tuệ, các khoản hỗ trợ không công bằng với các công ty nước ngoài và bắt buộc chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ cho các đối tác Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, tuyên bố của ông Joe Biden không có gì ngạc nhiên đối với nhiều người vì bầu không khí chính trị mà họ gọi là “độc hại” hiện nay ở Hoa Kỳ. Trong đó một số quan chức đang cạnh tranh xem ai là người cứng rắn nhất với Trung Quốc, hơn là ai có thể mang lại lợi ích lớn nhất cho người Mỹ, thông qua cam kết mang tính xây dựng.
Tuy vậy, trong khi những tuyên bố “cứng rắn” của ông Joe Biden có thể cổ vũ một số người trong giới truyền thông và chính trị chống Trung Quốc của Hoa Kỳ, thì nó lại là một “tin xấu” đối với nhiều doanh nghiệp ở cả Trung Quốc và Mỹ, vốn đang gánh chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại.
Tháng 6/2020, hãng tin Forbes đã đưa ra thống kê cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty Mỹ thiệt hại hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Một tổ chức tư vấn về thuế vụ có trụ sở tại Washington cũng đã ước tính, thuế quan có thể làm giảm GDP dài hạn của nước Mỹ 0,23%, khiến lương của người Mỹ giảm 0,15% và việc làm toàn thời gian cũng mất đi khoảng 179.800.
Khoảng 3.500 doanh nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm các tập đoàn lớn như Tesla và Ford, đã đệ đơn kiện chính quyền của ông Donald Trump về thuế quan mà họ cho là bất hợp pháp.
Ông Joe Biden, người đã tham gia chính trường Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ nên nhận thức đầy đủ về tác động của các rào cản thuế quan đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Cùng với dịch bệnh hoành hành và suy thoái kinh tế, việc tái thiết nền kinh tế như lời hứa với cử tri Hoa Kỳ sẽ được thực hiện ra sao là điều nhiều người quan tâm, trong bối cảnh Joe Biden vẫn bảo lưu quan điểm cứng rắn trong vấn đề thuế quan với Trung Quốc.
Hai phương án để ông Biden lựa chọn
Nói một cách dễ hiểu, ông Joe Biden có thể cũng không thể chịu được cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc, bởi bản thân chính trị gia này cũng từng gợi ý rằng ông sẽ “cố gắng đưa nước Mỹ trở lại cùng với các đồng minh” để hình thành “chiến lược tốt nhất đối với Trung Quốc”.
Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên, khi ông từng là Phó Tổng thống Mỹ khi chính quyền Obama thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, thế giới và châu Á - Thái Bình Dương hiện đang ở tình thế rất khác. Ít nhất là trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, đã không có sự can thiệp mạnh mẽ, quyết liệt từ Mỹ; một tinh thần hợp tác đa phương, rõ ràng hơn đã xuất hiện và vẫn đang chiếm ưu thế.
Tháng trước, 15 nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, đã ký hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc - nước cũng tham gia RCEP, đang đàm phán với nhiều quốc gia và khu vực để có thêm các thỏa thuận đầu tư và thương mại tự do, bao gồm thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc và hiệp ước đầu tư song phương Trung Quốc - EU. Trung Quốc thậm chí còn thể hiện sự quan tâm của họ trong việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Biden có thể được lòng các đồng minh của Mỹ hơn so với Trump, nhưng Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ không thể nhanh chóng khắc phục tất cả những thiệt hại do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền đương nhiệm để lại. Và quan trọng hơn, sẽ không thể ngăn các quốc gia khác theo đuổi xu thế hợp tác cùng có lợi.
Các hiệp định mới ký gần đây (không có sự tham gia của Hoa Kỳ) sắp trở thành thị trường lớn nhất thế giới, đặc biệt là vào thời điểm nước Mỹ đang ở trong vùng hỗn hợp của các cuộc khủng hoảng, từ Covid-19 đến khủng hoảng kinh tế và sự chia rẽ chính trị, xã hội sâu sắc.
Theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Trung Quốc có thể không thể giúp Mỹ giải quyết tất cả các thách thức, nhưng phần nào sẽ giúp ích cho cả hai nước và mang lại lợi ích cho toàn thế giới.
Vì lợi ích của việc giải cứu nền kinh tế Mỹ và tạo ra nhiều việc làm cần thiết, chính quyền sắp tới ở Washington sẽ buộc phải lựa chọn là tiếp tục hoặc tạm dừng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh và đưa quan hệ thương mại Trung - Mỹ trở lại trạng thái cân bằng.
Theo chuyên gia kinh tế Eswar Prasad, Giáo sư Đại học Cornell ở New York, những tuyên bố của ông Joe Biden liên quan tới Trung Quốc không hề gây ngạc nhiên. Bởi chắc chắn Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ không cho phép mình quay lưng lại với các nghiệp đoàn và nghị sĩ của cả 2 đảng, cũng như chắc chắn sẽ không xóa bỏ các mức thuế quan mà không yêu cầu nhượng bộ từ phía Bắc Kinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận