Ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng với 4 khủng hoảng đan xen
Suốt chiều dài lịch sử chính trị Mỹ, mỗi Tổng thống khi bước chân vào Nhà Trắng đều phải giải quyết các thách thức khác nhau nhưng ít người phải đối mặt với nhiều khủng hoảng chồng chất, đan xen như ông Joe Biden. Đó là lý do vị tân Tổng thống cao tuổi nhất của Mỹ sẽ phải bắt tay vào làm việc ngay trong ngày đầu nhậm chức với hàng loạt sắc lệnh, phản ứng nhanh.
4 khủng hoảng đan xen
Gần như không ngừng nghỉ, sau khi kết thúc các chương trình trong Lễ nhậm chức ngày 20/1 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden (78 tuổi) sẽ lập tức về phòng làm việc, bắt tay giải quyết 4 thảm họa, khủng hoảng đang chồng chất và đè nặng nước Mỹ.
Theo Ron Klain, người được ông Biden chọn làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng và là người công bố văn bản liệt kê những ưu tiên của chính quyền ông Biden trong những ngày đầu nhậm chức: “Ông Biden nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ chịu khủng hoảng sâu rộng. Chúng tôi đối mặt với 4 cuộc khủng hoảng chồng chéo: Từ khủng hoảng y tế Covid-19, hệ quả khủng hoảng kinh tế, thảm họa khí hậu và bình đẳng chủng tộc. Tất cả đều cần hành động khẩn cấp”.
Trong đó, hành động đầu tiên ông Biden ưu tiên chính là ứng phó khẩn cấp trước đại dịch, bắt buộc đeo khẩu trang khi di chuyển liên bang hay sử dụng tài sản liên bang. Sắc lệnh đầu tiên Tổng thống Joe Biden đặt bút ký cũng liên quan tới giải quyết dịch bệnh Covid-19, mở cửa trường học, doanh nghiệp và đưa ra hướng dẫn y tế liên bang, mở rộng tiếp cận xét nghiệm tới đông đảo người dân.
Ngày hôm sau, ông sẽ chỉ đạo các cơ quan nội các giải quyết trợ cấp kinh tế như tiếp tục lùi hạn thanh toán nợ, lãi suất đối với các khoản vay đi học của sinh viên liên bang.
Chia sẻ thêm về kế hoạch của ông Biden, Chánh Văn phòng Klain cho biết: “Tổng thống đắc cử Biden sẽ hành động để không chỉ chữa lành những tổn hại nghiêm trọng từ chính quyền của ông Donald Trump mà còn khởi động đưa đất nước tiến về phía trước”.
Ông Joe Biden sẽ hành động nhanh để “kịp thời chặn đứng những tổn hại vĩnh viễn và khẩn cấp mới phát sinh, khôi phục vị trí của Mỹ trên trường quốc tế”.
Những ngày sau đó, ông Biden sẽ đảo ngược một loạt quyết định quan trọng, gây tranh cãi dưới thời chính quyền Trump như lệnh cấm 7 nước có đa phần người dân theo đạo Hồi, tái gia nhập hiệp ước Paris về khí hậu, thông báo chương trình đoàn tụ các gia đình bị chia tách vì luật liên bang Mỹ giữa biên giới Mỹ - Mexico…
3 nhánh quyền lực cần củng cố, hàn gắn hai đảng
Ngoài giải quyết khủng hoảng, Joe Biden cùng đội ngũ chuyển tiếp chính trị phải cùng lúc hoàn tất quá trình “thay máu” nhân sự, mở đầu bằng việc xác nhận 15 Bộ trưởng Nội các cùng một loạt các vị trí cấp Nội các khác.
Vấn đề nhân sự không chỉ là dừng ở lựa chọn những người thân cận, tùy theo kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ tương ứng là xong, ông Biden còn cần Quốc hội thông qua những nhân sự đã chọn để chính thức định hình Nội các.
Khả năng đối mặt với làn sóng phản đối, chỉ trích thậm chí buộc phải tìm nhân sự khác là khó tránh khỏi. Chẳng hạn như việc chọn Chưởng lý bang California Xavier Becerra điều hành Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đang bị đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng bà thiếu kinh nghiệm trong quản lý chăm sóc y tế.
Đảng Dân chủ đã thắng 2 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện đột xuất vừa diễn ra tại bang Georgia, đưa đảng này sở hữu số ghế tương đương Đảng Cộng hòa (50 - 50). Như vậy, về lý thuyết, đảng của ông Biden chiếm đa số ghế tại Thượng viện bởi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thường sẽ bỏ phiếu quyết định trong trường hợp Thượng viện có kết quả phiếu không phân thắng bại.
Do đó, về nhánh tư pháp, một số đề xuất nhân sự như bổ nhiệm Thẩm phán Merrick Garland của Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ làm Tổng chưởng lý, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không gặp nhiều trở ngại.
Ông Biden từng nắm giữ vị trí Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama nên đã quen với sự chia rẽ bất đồng giữa hai Đảng nhưng lần này, ở vị trí người đứng đầu, ông Biden chứng kiến sự phản đối gay gắt gần như lớn nhất trong lịch sử.
Sự chia rẽ sâu sắc thể hiện rõ khi có tới 147 Nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối kết quả phiếu đại cử tri đến từ các bang Arizona và Pennsylvania - hai bang quan trọng mang về chiến thắng cho ông Biden bất chấp chỉ ít giờ trước, họ chính là những người trực tiếp chứng kiến và phải đi sơ tán vì những người ủng hộ ông Donald Trump quá kích động, gây bạo loạn tại Quốc hội.
Khi ông Biden nhậm chức, có thể hơn nửa Nghị sĩ Đảng Cộng hòa vẫn khó chấp nhận chiến thắng của ông dù kết quả bầu cử đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, ít nhất trong 2 năm tới, phản ứng của các Nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ dừng ở thái độ, không mấy ảnh hưởng tới quyết sách của ông Biden bởi Đảng Dân chủ vẫn đảng kiểm soát cả 2 viện tại Quốc hội cho đến khi có cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận