Thế giới

Kashmir như “thùng thuốc súng” sau khi Ấn Độ tước quyền tự trị

12/08/2019, 05:43

Bầu không khía tại Kashmir đã căng thẳng đến mức nhiều chuyên gia cho rằng khả năng cao có thể xảy ra bạo loạn.

img
Người lao động ùn ùn mua vé rời khỏi Kashmir

Một tuần kể từ khi Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 trong Hiến pháp có nội dung trao quy chế đặc biệt cho phần Kashmir thuộc Ấn Độ kiểm soát, bầu không khí tại vùng đất thuộc Himalaya đã leo thang căng thẳng đến mức nhiều chuyên gia cho rằng khả năng cao có thể xảy ra bạo loạn.

Kashmir hóa thị trấn ma

Sở dĩ quyết định của Chính phủ Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narenda Modi lại có tác động mạnh như vậy vì đây là động thái chưa từng có tiền lệ, xóa bỏ Điều 370 với nội dung nhạy cảm vốn đảm bảo trao quyền tự trị quan trọng cho bang Kashmir vốn có đông người Hồi giáo sinh sống.

Trong khi đó, toàn bộ vùng Kashmir là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan - hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Cả hai đều tuyên bố sở hữu khu vực này nhưng thực tế mỗi bên kiểm soát một phần. Ở khu vực Kashmir mà Ấn Độ kiểm soát lâu nay vốn âm ỉ xung đột.

Kể từ khi Ấn Độ thông báo quyết định, Kashmir được đặt trong trạng thái giới nghiêm. Theo quan sát của phóng viên BBC, tại trung tâm TP Srinagar, thủ phủ của tiểu bang, nơi nổi tiếng xảy ra nhiều vụ biểu tình chống Ấn Độ, rất nhiều con đường bị chặn, luôn có cảnh sát bán quân sự thường trực tuần tra.

Tiểu bang này tựa như thị trấn ma. Đa phần trường học, cửa hàng, văn phòng đều đóng cửa và không có phương tiện giao thông công cộng phục vụ. Hàng nghìn binh lính tuần tra dọc các con phố, người dân thì đóng cửa im ỉm trong nhà.

Người lao động từ nơi khác lỡ đến đây làm việc thì đổ xô tới các bến xe khách để mua vé mong sớm thoát khỏi khu vực bất ổn. Anh Rizwan Malik, một người dân tại đây chia sẻ: “Kashmir giờ như một nhà tù mở, khổng lồ”.

Trong không gian tù túng đó, tư tưởng của nhiều người dân địa phương trở nên tiêu cực. Phóng viên BBC bắt gặp một nam thanh niên trẻ, bế con trai trên tay, anh chia sẻ một ý định đáng kinh ngạc đó là “sẵn sàng cho con trai cầm súng để chống lại tình trạng này. “Đây là con trai duy nhất của tôi. Giờ cháu còn quá bé nhưng tôi sẽ chuẩn bị cho nó cầm súng”, anh nói.

Chuyên gia Long Xingchun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc cho rằng: Việc Ấn Độ quyết định xóa bỏ tình trạng đặc biệt của Jammu và Kashmir, có thể gây ra một cuộc xung đột vũ trang với Pakistan.

Nhận định về lý do tại sao Ấn Độ quyết định thay đổi tình trạng vùng lãnh thổ Kashmir, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Long Xingchun cho rằng: Chủ nghĩa dân tộc tại Ấn Độ đang rất mạnh.

Đảng Dân tộc Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi cho rằng: Kashmir là một lãnh thổ không thể chia cắt của nước này. Mặc dù Hiến pháp Ấn Độ bảo vệ lợi ích của người dân Kashmir nhưng phần lớn những người sinh sống tại đây lại chủ yếu là người Hồi giáo thân Pakistan - hệ lụy từ thời Anh phân chia thuộc địa giữa Ấn Độ và Pakistan.

Hành động của Ấn Độ là muốn thay đổi thành phần dân số (muốn tăng dân số người Ấn Độ giáo, để làm loãng dân số Hồi giáo) của khu vực Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ để tăng cường quyền lực với khu vực này.

Pakistan tìm đến Trung Quốc

img
Người dân địa phương ví Kashmir lúc này như thị trấn ma

Không chấp nhận quyết định của Ấn Độ, Pakistan tìm mọi cách gây sức ép lên Ấn Độ như ngừng giao thương, trục xuất phái viên Ấn Độ và tìm đến sự giúp đỡ của nhiều nước khác trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc.

Dự kiến Bắc Kinh và Islamabad sẽ tổ chức một số cuộc tham vấn khẩn cấp về tình hình xung quanh Jammu và Kashmir. Sở dĩ vấn đề giữa Islamabad và New Delhi lại thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh là bởi thứ nhất, theo quyết định mới của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, bang Jammu và Kashmir bị tách thành hai khu vực gồm: Jammu - Kashmir và Ladakh, được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền New Delhi.

Trong khi Trung Quốc lâu nay coi Ladakh là một phần lãnh thổ của mình. Thứ hai, Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Pakistan.

Theo Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmud Qureshi, Islamabad sẽ thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh về hậu quả của việc chính quyền Ấn Độ tước quyền tự trị của Kashmir và trực tiếp kiểm soát.

Kế hoạch tham vấn với Trung Quốc được Ngoại trưởng Pakistan công bố ngay sau khi kết thúc cuộc họp với Ủy ban Quốc phòng Pakistan. Tại đây, Thủ tướng Pakistan Imran Khan chỉ đạo kích hoạt tất cả các kênh ngoại giao để chống lại quyết định của Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố trước đó từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nước này khẳng định: Việc xóa bỏ quy chế tự trị ở Kashmir hoàn toàn là vấn đề nội bộ. Mọi hành động nhằm can thiệp vào vấn đề này sẽ không bao giờ thành công. Bộ này cũng lên án những động thái của Pakistan là “gieo rắc hoang mang sợ hãi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.