Vườn chuối gần 3.000 cây bị chặt phá trong đêm (Ảnh: Thanh Niên) |
Công an TP.Hải Phòng đã có thông tin ban đầu về việc vườn chuối của ông Nguyễn Văn Quân (58 tuổi, ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) bị chặt phá trong đêm, thông tin trên báo Thanh Niên.
Theo đó, Công an TP. Hải Phòng cho biết, khoảng 5 giờ ngày 15/5, Công an huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng nhận được tin báo của ông Quân về việc vườn chuối gần 3.000 cây đang cho thu hoạch bị 1 nhóm đối tượng cầm dao kiếm đến chặt phá.
Sau khi đến hiện trường, công an đã đưa 11 người liên quan đến vụ chặt chuối về UBND xã lấy lời khai rồi bàn giao cho địa phương quản lý.
Vụ việc được đưa lên mạng xã hội với nhiều thông tin trái chiều, thậm chí có người còn tung tin nhóm người phá chuối do cháu 1 lãnh đạo công an TP.Hải Phòng dẫn đầu.
Tuy nhiên, qua điều tra, công an xác định người chủ ý làm việc này là ông Đỗ Văn Chí, Giám đốc Công ty Chí Linh, ngụ xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên.
Những người tham gia vụ việc không phải họ hàng với lãnh đạo công an thành phố Hải Phòng. Hiện Công an H.Thủy Nguyên đang tiếp tục tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, xác minh nguồn gốc đất, các thủ tục liên quan về góp vốn, tranh chấp quyền sử dụng đất để làm rõ vụ việc.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Chí - giám đốc Công ty Chí Linh xác nhận có việc ông giao cho công nhân của công ty tổ chức dọn dẹp các cây chuối trên bãi đất mà công ty này đã được UBND huyện Thủy Nguyên cấp phép cho thuê với thời hạn 20 năm, tính từ năm 2010.
Ông Chí cho rằng, từ tháng 6/2016, sau khi hoàn thiện thủ tục xin chuyển quyền sử dụng đất, Công ty Chí Linh triển khai dự án xây dựng hai xưởng sản xuất gạch nên đã chủ động nhiều lần yêu cầu ông Quân dừng việc trồng chuối để trả lại mặt bằng cho công ty nhưng ông Quân không thực hiện.
Cũng theo ông Chí, do ông Quân không trả lại mặt bằng cho công ty nên ông đã giao cho anh em công nhân của công ty chủ động dọn dẹp bằng cách chặt hạ các cây chuối để máy móc thi công có thể vào được.
Còn ông Phạm Văn Quân, chủ vườn chuối lại cho rằng, khu vực bãi bồi này được gia đình ông khai hoang với tổng diện tích khoảng 20.000m2 kể từ năm 1989. Đến năm 2007 thì ông có lấy số đất này để “góp vốn” cùng một số người khác, trong đó có ông Nguyễn Văn Bính (ở cùng xã Cao Nhân) và ông Đỗ Văn Chí (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) thành lập công ty đóng và sửa chữa tàu.
“Từ khi thành lập năm 2008 đến nay công ty vẫn không hoạt động nên gia đình tôi mới tiếp tục trồng chuối và hoa màu để làm kinh tế”, ông Quân nói với báo Tuổi Trẻ.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ nguồn gốc đất cùng các thủ tục liên quan trong vấn đề góp vốn, tranh chấp về quyền sử dụng đất để làm rõ vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận