Thế giới

Kể chuyện “lính mũ nồi xanh” Việt Nam ở “chảo lửa” Nam Sudan

25/04/2018, 15:57

Chiến sự đầy chết chóc và hiểm nguy trên mảnh đất Nam Sudan là những gì các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam...

62

Sỹ quan Nguyễn Văn Hằng và trẻ em Nam Sudan

Chiến sự đầy chết chóc và hiểm nguy trên mảnh đất Nam Sudan là những gì các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam đã và đang tiếp tục phải đối mặt để chung tay xoa dịu hậu quả chiến tranh cho đất nước và người dân nơi đây.

Hiểm nguy thường trực

“Stop! Get out of the car”. “Hands up or I shot!” (Dừng lại! Ra khỏi xe. Giơ tay lên, không tôi bắn) - viên sĩ quan thuộc lực lượng quân Chính phủ Nam Sundan cùng toán lính được trang bị vũ khí hét lên, ra lệnh cho đoàn xe của Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan.

Trong tình hình này, chỉ cần có biểu hiện kháng cự là lực lượng quân Chính phủ sẽ bất chấp tất cả và nổ súng. Trung tá Trương Anh Tuấn, trợ lý Phòng Huấn luyện, Cục GGHB Việt Nam nhớ lại tình huống khi anh thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB LHQ Nam Sudan cách đây không lâu.

Để kiềm chế các hành động khó lường của nhóm binh lính này, anh Tuấn chỉ đạo đoàn xe dừng lại, vừa mở cửa xe bước xuống vừa hô to: “We are United Nations Mission in South Sudan” (Chúng tôi thuộc Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan).

Nghe thấy vậy, toán lính đang căng thẳng kia cũng phần nào giảm bớt kích động. Anh Tuấn mang theo toàn bộ hồ sơ, giấy tờ (đã chuẩn bị sẵn trước mỗi hành trình), trong đó, quan trọng nhất là giấy tờ chấp thuận cho đoàn xe làm nhiệm vụ của Sư đoàn trưởng quân Chính phủ để đàm phán với sĩ quan chỉ huy lực lượng này.

Anh Tuấn cho biết, việc các đoàn xe của Phái bộ GGHB bị chặn lại tại các bốt kiểm soát thuộc quân chính phủ hay phe đối lập (thường là để đòi phí) đã trở thành “chuyện cơm bữa ở Nam Sudan”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đoàn xe đang làm nhiệm vụ tại đất nước Đông Phi này luôn thường trực nguy cơ bị tấn công.

Còn Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng, người mới kết thúc nhiệm vụ Quan sát viên quân sự tại phái bộ Nam Sudan tháng 7/2017, kể một lần đi tuần tra tại TP Yei, cách Thủ đô Juba 160km về phía Nam, nơi dưới sự kiểm soát của phe đối lập, khi cả đoàn xe tuần tra đang di chuyển thì được chào đón bằng một loạt đạn súng AK. Lúc này, sĩ quan phụ trách đoàn phải hô to “United Nations, Stop or We will fire!” (Liên hợp quốc, dừng lại, không chúng tôi sẽ bắn!).

Nội chiến kéo dài, đất đai hoang hóa, đói nghèo cũng là nguyên nhân chính khiến các lực lượng vũ trang và người dân nơi đây trở nên quá khích, lúc nào cũng lăm lăm cây súng và sẵn sàng nhả đạn khi thấy bị đe dọa hay bực tức. Họ thậm chí còn chặn đường bất cứ đoàn xe nào để “xin” lương thực, quần áo, trang bị thiết yếu... cả ngày và đêm.

Trong khi những chuyến hộ tống đoàn LHQ hay đoàn vận tải lương thực, thuốc men thường kéo dài nhiều ngày, các sĩ quan GGHB phải ăn ngủ dã chiến tại các lều tạm.

Anh Hằng vẫn nhớ lần nhận nhiệm vụ cùng Tiểu đoàn Bộ binh của Rwanda hộ tống đoàn xe LHQ đi từ Thủ đô Juba đến Mvolo. Ban ngày, đoàn xe liên tục gặp các điểm kiểm soát của quân Chính phủ vốn thường xuyên gây khó khăn. Ban đêm thì đối mặt với nguy cơ bị cướp tiền, quần áo.

Có tối, đoàn xe dừng nghỉ ngay gần nơi giao tranh của các lực lượng đối lập, các sĩ quan GGHB phải mặc áo chống đạn, ngồi trong xe ô tô và quan sát ánh sáng từ các làn đạn bắn giữa hai phe sáng rực bầu trời như pháo hoa.

63

Đường sá ở Nam Sudan phần lớn là đường đất nên xe cộ thường xuyên bị sa lầy trong mùa mưa

365 ngày không nghỉ

Anh Tuấn, anh Hằng cho biết, công việc hiện nay của các anh là tổ chức các buổi giảng dạy cho các khóa huấn luyện tiền triển khai. Các sĩ quan Quan sát viên quân sự (QSVQS) thuộc Phái bộ GGHB của Việt Nam sẽ phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại thực địa, liên tục cơ động đến và đi qua những điểm nóng chiến sự, vì thế đòi hỏi người sĩ quan phải luôn trong tư sẵn sàng đối mặt khó khăn, nguy hiểm để có thể thực hiện nhiệm vụ liên tục tất cả các ngày trong tuần.

Để mỗi chuyến hộ tống đoàn an toàn, các QSVQS phải chuẩn bị rất chu đáo các công tác như: Đánh giá tình hình địa bàn, đường sá, lên kế hoạch tổng thể việc di chuyển, điều phối với lực lượng quân Chính phủ/đối lập.

Các QSVQS còn nhận nhiệm vụ, triển khai công tác chuẩn bị hậu cần bao gồm lương thực, phương tiện, vật chất phục vụ cho chuyến đi.

64
Anh Tuấn cùng một số sĩ quan GGHB sửa chữa xe giữa đường

Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng cho rằng, việc được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết trong quá trình tập huấn tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài (về kỹ năng sinh tồn trong rừng, trong những điều kiện khắc nghiệt, kỹ năng sửa chữa xe, kỹ năng đàm phán...) đã giúp các sĩ quan Việt Nam thích nghi với tình hình thực tế và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đây cũng là lý do, Thiếu tá Hằng cùng nhiều đồng nghiệp đang nỗ lực để huấn luyện cho các lực lượng sĩ quan kế cận sẽ đảm nhận nhiệm vụ GGHB tại các phái bộ GGHB LHQ trong tương lai.

Còn với Trung tá Trương Anh Tuấn, những kinh nghiệm thực tiễn giờ đây đã trở thành các bài giảng sôi động và kinh nghiệm quý báu để những cán bộ lớp sau kế thừa, vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh và tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến trang cũng như để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong trái tim nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.