Lê Tấn Thành, kẻ đánh nữ sinh dã man sau khi gây tai nạn được cơ quan chức năng lấy lời khai
Công an phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã bắt giữ Lê Tấn Thành 29 tuổi, ngụ phường Tương Bình Hiệp vào chiều 8/12 để điều tra, xử lý hành vi hung hãn, côn đồ, đánh dã man nữ sinh sau va chạm giao thông.
Trước đó chiều 7/12, Thành lái xe máy chở vợ chạy trên đường Bùi Ngọc Thu (Bình Dương) thì xảy ra va chạm với xe đạp điện của hai nữ sinh. Va chạm làm hai bên ngã xuống đường. Thay vì hỏi thăm tình hình sức khỏe của hai nữ sinh, Thành lao tới đấm đá liên tiếp vào đầu một nữ sinh khi em này đang ngồi trên đường.
Vụ việc được người dân can ngăn và đã báo cho công an phường Tương Bình Hiệp. Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng xuống ngay hiện trường tìm hiểu nhưng Thành đã rời đi. Em nữ sinh bị thương được đưa vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Theo Công an phường Tương Bình Hiệp, đơn vị đã trích xuất camera của người dân để xác minh thông tin, đánh giá mức độ vi phạm. Tại trụ sở công an phường, Lê Tấn Thành khai nhận do lúc xảy ra vụ việc đang say xỉn nên không làm chủ bản thân. Lê Tấn Thành từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản, hiện vụ việc đang được tiếp tục xử lý.
Về sự việc này, luật sư Thái Văn Chung, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Hành vi của Lê Tấn Thành là hung hãn, côn đồ, tùy theo mức độ hậu quả mà đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tỷ lệ thương tích gây ra theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự.
Nếu nữ sinh bị chấn thương sọ não nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì Thành còn phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự (BLHS). Trong trường hợp tỷ lệ thương tích của em học sinh dưới 11%, Thành vẫn phải chịu chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, i Khoản 1 Điều 134 BLHS với tình tiết định khung đối với người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.
Ngoài ra, Lê Tấn Thành còn phải chịu xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ (cây gậy ba khúc) theo Điểm c, Khoản 5 và Điểm a, Khoản 8, Điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Đối với hành vi điều khiển xe mô tô quay đầu xe không quan sát gây tai nạn giao thông, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 7, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng.
"Hành vi của đối tượng đánh nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 và Điều 318 BLHS", luật sư Thơm phân tích.
Với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tuỳ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể sẽ có mức xử lý phù hợp. Cụ thể, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nữ sinh bị đánh từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với tội Gây rối trật tự công cộng, đối tượng có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
"Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến tình tình an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngựa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận