Thời sự

Kè đê dưới cầu Hàm Rồng bị sụt trượt nghiêm trọng

13/11/2018, 08:11
image

Do ảnh hưởng mưa lũ, hàng chục mét kè đê sông Mã bị sụt trượt, đe dọa đến an toàn của tuyến đường sắt.

53a4a988292dc973903c

Kè đê sông Mã bị sụt trượt hàng chục mét

Theo quan sát cho thấy, hàng chục mét kè đê bên bờ sông Mã (đoạn qua phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) bị sạt xuống phía sông, có những đoạn sụt sâu gần 2m. Trên mặt nền thì đá lát bong tróc ngổn ngang, lan can trơ trọi để lộ ra các khoảng trống giữa các dầm. Việc sụt lún đã làm thay đổi toàn bộ kết cấu của kè đê.

Được biết, đây là dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2010 với số tiền là 104 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra và có cảnh báo tới người dân, đặc biệt là tàu thuyền qua lại trên sông, phương tiện đi qua cầu Hàm Rồng.

65f6f95d79f899a6c0e9

Kết cấu của kè đê bị thay đổi do xê dịch chân kè, mái kè

 Ông Khương Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, đoạn kè bị sạt lở ở Km39+484 – Km39+534. Cung sụt có chiều sâu từ 0,2-2m. Điểm sụt gần nhất cách chân đê sông Sông Mã 3,9m; phần cơ đá chân kè sạt lở từ 1-2m, chiều dài 27m.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì nguyên nhân là do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ năm 2017 và 2018. Hiện nay, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi UBND TP Thanh Hóa cắm cọc tiêu, quan trắc, theo dõi sụt lún phòng tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

60387b05fba01bfe42b1

Hiện nay, ngành chức năng đang theo dõi việc sụt lún ở đoạn kè đê

Quan sát cho thấy, ngay tại chân cầu phía Hàm Rồng – nơi có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể tại móng tứ nón mố Nam cầu phía hạ lưu bị xói lở nặng làm hẫng và gẫy chân khay gây lún, sụt trượt và nứt tứ nón. Trước vấn đề này, Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa đã kiểm tra và tiến hành các bước xử lý đảm bảo an toàn tàu chạy.

Theo kết quả kiểm tra cho thấy, hiện tượng sụt lở xảy ra từ tháng 9 và tháng 10/2018. Phần chân khay tứ nón bị sụt dài 25,0m, sâu từ 0,7÷1,2m; Vết nứt giữa tứ nón và mái taluy đường bộ đầu cầu kéo dài từ đỉnh tứ nón đến chân khay dài 12,50m, rộng từ 0,5 ÷ 0,6m; giữa tứ nón và mặt bên mố cầu rộng từ 0,5 ÷ 0,6m, dài 13,5m; Đế bảo vệ trước mố: Chân khay bị tụt từ 0,5 ÷ 1,0m, chiều dài 20m, rộng từ 0,3÷0,6m.

4

Tại móng tứ nón mố Nam cầu Hàm Rồng phía hạ lưu bị xói lở nặng làm hẫng và gẫy chân khay gây lún, sụt trượt

Tại vị trí tiếp giáp giữa mặt cầu và đường đầu cầu tụt hàm ếch nguy cơ làm gẫy bản giảm tải, gây mất an toàn cho người và phương tiện giao thông đường bộ qua cầu.

Đại diện Phòng kỹ thuật an toàn (Cty cổ phần đường sắt Thanh Hóa) cho biết, tại vị trí chân khay tứ nón và đế bảo vệ trước mố bị xói thì sẽ cho khoan, đóng cọc gia cố móng hoặc cấy thép neo, đổ đế và tường chắn bằng bê tông cốt thép để giữ ổn định chân khay, nón mố phía trên. Bên cạnh đó làm lại nón mố và đế bảo vệ trước mố. Ngoài ra lát mái chống xói lở bờ sông hai bên để bảo vệ mố cầu và tiến hành làm lại mặt đường bộ trong phạm vi tiếp giáp giữa đường bộ và mặt cầu phần đường ô tô L≥15m.

2

Chân khay ở mố cầu bị sụt trượt nhiều

Được biết, cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã gồm 2 nhịp dàn thép liên kết bu lông cường độ cao, mặt cầu trần chạy dưới, mặt cầu gồm có 2 phần: phần đường sắt và phần đường ô tô chạy 2 bên. Chiều dài một nhịp 80m; tải trọng thiết kế T14; tốc độ khu gian hiện tại Vmax = 70km/h; sông thông thuyền cấp III. Tính đến thời điểm hiện tại, tàu sắt Bắc - Nam vẫn di chuyển bình thường theo công lệnh tốc độ tàu cho phép.

Truyền hình giao thông:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.