Các sứ mệnh lên Mặt trăng của Nga đã biến mất khỏi bản thiết kế mới nhất của Trung Quốc cho Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) - một dự án từng được hai nước cùng khởi xướng nhằm xây dựng một căn cứ có người ở gần cực nam Mặt trăng, SCMP đưa tin.
Theo đề xuất trước đó, Trung Quốc và Nga mỗi nước sẽ phóng khoảng 6 tàu vũ trụ liên quan để hoàn thiện căn cứ trên Mặt trăng.
Tuy nhiên, các sứ mệnh do Nga thực hiện đã không xuất hiện trong bài thuyết trình của một nhà khoa học vũ trụ cấp cao của Trung Quốc tại Đại hội Hàng không Quốc tế (IAC) diễn ra ở thủ đô Baku của Azerbaijan ngày 2/10.
Hơn 5.400 đại biểu từ 132 quốc gia đã tập trung tại thủ đô Baku để tham dự đại hội không gian lớn nhất thế giới tổ chức hàng năm này.
Tên lửa đưa tàu Luna-25 cất cánh lên Mặt trăng hồi đầu tháng 8/2023 từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur viễn đông của Nga. Ảnh: TNS
Tại Đại hội này, Yu Dengyun, Phó giám đốc thiết kế Chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc đã phát biểu về mục tiêu và chiến lược xây dựng ILRS.
Nhưng loạt sứ mệnh mà ông trình bày chỉ bao gồm các vụ phóng trong tương lai của Trung Quốc – bao gồm các sứ mệnh của Chang'e 6, 7 và 8.
Các sứ mệnh này sẽ bay trên chính tên lửa đẩy hạng nặng do Trung Quốc sản xuất.
Tất cả các sứ mệnh của Nga xuất hiện cạnh sứ mệnh của Trung Quốc trong các bài thuyết trình trước đây đều bị loại bỏ.
Một khung cảnh tại Đại hội Hàng không Quốc tế tại Washington, D.C. năm 2019. Ảnh: D. Myles Cullen
Chúng bao gồm Luna-25 - đã rơi xuống bề mặt Mặt trăng vào ngày 19/8 sau khi gặp trục trặc kỹ thuật - cũng như 3 sứ mệnh tiếp theo là Luna 26, 27 và 28 do cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos lên kế hoạch thực hiện từ năm 2027 đến năm 2030.
Các sứ mệnh dự kiến sẽ phóng bằng tên lửa hạng nặng Angara của Nga cho giai đoạn xây dựng chính của Trạm ILRS cũng không xuất hiện trong bài thuyết trình của ông Yu Dengyun.
Theo SCMP, có thể sự cố bất ngờ của Luna-25 đã làm gián đoạn kế hoạch dự kiến của Nga và việc nó vắng mặt trong bản thiết kế chỉ là tạm thời.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát không gian cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc quyết định "quay lưng" lại với Nga sau khi chứng kiến nước này không có thành tựu gì nổi trội trong những năm gần đây.
Trung Quốc đang rất bận rộn cho các sứ mệnh Mặt trăng của mình. Ảnh: Race To Space
Jonathan McDowell, nhà sử học và nhà thiên văn học về chương trình không gian tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết: "Nga không chỉ gặp thất bại với Luna-25 năm 2023. Năm 2022, tàu Soyuz và Progress liên tục gặp sự cố rò rỉ chất làm mát".
Roscosmos nói rằng nguyên nhân của sự rò rỉ là do các cuộc tấn công của thiên thạch vi mô, nhưng một số nhà quan sát nghi ngờ nguyên nhân là do lỗi sản xuất trong tàu vũ trụ.
McDowell cho biết: "Danh tiếng ngày càng mờ nhạt của ngành vũ trụ Nga kết hợp với sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với ngành vũ trụ trong nước khiến kết nối với Nga trở nên kém hấp dẫn và ít cần thiết hơn".
Tuy nhiên, theo Namrata Goswami, một học giả chính sách không gian độc lập có trụ sở tại bang Alabama, Mỹ cho biết sự vắng mặt của các sứ mệnh Nga trong bài thuyết trình của ông Yu Dengyun không nên được coi là tín hiệu trực tiếp từ Trung Quốc rằng quan hệ đối tác không gian với Nga đã dần lỏng lẻo.
"Chúng ta không thể kết luận rằng mối quan hệ không gian Trung-Nga đang căng thẳng do vụ tai nạn Luna-25.
Theo ý kiến mà ông Tập Cận Bình viết trong chuyến thăm Moscow vào tháng 3, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc tiếp tục coi Nga là đối tác lớn quan trọng" - Namrata Goswami nói.
Cô cho rằng sự điều chỉnh tinh tế trong bài thuyết trình của ông Yu Dengyun có thể giống "một động thái chiến lược của Trung Quốc nhằm thuyết phục các quốc gia đối tác khác tham gia ILRS".
Vào tháng 8/2023, một phái đoàn Trung Quốc do Wu Weiren, Tổng công trình sư của Chương trình thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc dẫn đầu, đã được mời tham dự sự kiện phóng Luna-25 ở vùng viễn đông của Nga.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội ngày 3/10, Roscosmos cho biết nguyên nhân gây ra vụ tai nạn Luna-25 là do hoạt động bất thường của máy tính trên tàu vũ trụ.
Đây là sứ mệnh lên Mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ Luna-24 năm 1976, thời Liên Xô.
Nguồn: SCMP
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận