Quản lý

Kế hoạch lỗ hơn 160 tỷ trong năm 2020 của đường sắt vẫn khó thực hiện

24/02/2020, 09:30

Đường sắt VN đã xây dựng kế hoạch lỗ hơn 160 tỷ trong năm 2020 nhưng con số này khả năng tiếp tục tăng khi tình hình kinh doanh ngày một xấu đi.

img
Tàu khách SE9 chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn ngày 22/2 tuy đông khách nhưng chủ yếu là chặng ngắn nên không hiệu quả về doanh thu

Lao đao vì Covid-19

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga Hà Nội chiều thứ bảy, ngày 22/2, vẫn khá đông hành khách mua vé đi tàu, khác với quang cảnh ga tàu vắng hoe những ngày trước đó.

Trên chuyến tàu SE9 xuất phát lúc hơn 14h, có khá đông bộ đội, các nhóm khách đi công tác, du lịch. Trưởng tàu Phạm Trọng Luân cho biết, do là ngày cuối tuần, hơn nữa có lượng lớn hành khách là bộ đội trả phép nên tàu mới đông vậy, được 213 khách/248 phương án chỗ.

“Chủ yếu là khách đi chặng ngắn. Đến Vinh chỉ còn 109 khách, rồi giảm dần khi vào đến Sài Gòn. Hơn nữa, tàu cũng phải cắt bớt toa xe rồi, chỉ còn 6 toa xe khách. Nếu tính về doanh thu thì không hiệu quả nhưng có còn hơn không”, anh Luân nói.

Tương tự, Trưởng tàu SE3/4 Đặng Xuân Định chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại nên rất vắng khách. Trung bình ngày thường tàu xuất phát ga Sài Gòn chỉ được trên dưới 100 khách; doanh thu khoảng hơn 400 triệu đồng/vòng quay (cả lượt đi và về), giảm đến 50% so với trước. Có chuyến khách đi tàu còn vắng hơn, giảm đến 70%”.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, vận tải đường sắt bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thường ra Tết, người dân đi thăm thân, du xuân, lễ hội bằng tàu rất đông. Nhưng do ảnh hưởng của dịch, gần như đối tượng hành khách này không còn. Học sinh, sinh viên các tỉnh được nghỉ học nên cũng không đi tàu, trả lại vé đã mua trước đó.

Vì vậy, ngành Đường sắt phải giảm tàu, dừng tàu tăng cường, kết thúc sớm chiến dịch vận tải Tết. Chỉ tính riêng lượng vé trả của công ty trong dịp Tết Nguyên đán khi có thông tin dịch là 26.630 vé với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý chỉ đạt 410.420 lượt hành khách, bằng 84%; doanh thu 222,4 tỷ đồng, bằng 89% so với Tết Kỷ Hợi. Doanh thu hành khách tháng 2 và tháng 3/2020 dự kiến chỉ đạt được 50% so với cùng kỳ.

Cùng chung tình cảnh, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, tính từ 25/1 - 20/2, lượng vé trả của công ty là 25.726 vé với tổng số tiền 15,5 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN, chỉ trong 19 ngày, kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19 đến ngày 14/2/2020, đã phải hủy 78 chuyến tàu khách, tương ứng giảm 8,3% so với kế hoạch; Doanh thu vận tải hành khách dự kiến giảm 54,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 13,3% so với cùng kỳ.

Không chỉ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Hiệp, giai đoạn này chỉ những mặt hàng chính ngạch bằng đường sắt mới được xuất - nhập qua cửa khẩu như phân bón, apatit…, nhưng cũng chỉ được chạy tàu hạn chế, giảm số lượng đôi tàu so với trước.

Vì thế, vận tải hàng hóa đường sắt nội địa cũng bị ảnh hưởng, ách tắc theo. Hàng chờ xếp tại khu vực miền Trung còn 30.000 tấn, tại khu vực Hải Phòng là 31.000 tấn. Riêng hàng tiểu ngạch đang bị “nghẽn”, trong khi lượng hàng bách hóa đi đường tiểu ngạch từ Trung Quốc sang Việt Nam, sau đó đi bằng đường sắt đi các tỉnh phía Nam rất lớn, chiếm đến 70-80% sản lượng vận tải hàng hóa trên tuyến Bắc - Nam.

Lỗ càng thêm lỗ

Khó khăn đủ đường, xoay hướng nào cũng vướng. Chúng tôi đã báo cáo, kiến nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vận tải đường sắt bằng cách miễn, giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng, hiện được quy định là 8% doanh thu vận tải.

Đồng thời, kiến nghị phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu khách an sinh xã hội, hiện đang phải chịu chạy lỗ hàng năm khoảng 20 tỷ”.
Ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN


Theo ông Đào Anh Tuấn, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu năm 2020 chỉ bằng hơn 80% so với năm 2019. Trong khi đó, các chi phí cố định để chạy tàu thì vẫn phải chi, chưa kể còn phải trả gốc, lãi các khoản vay đầu tư cho sản xuất kinh doanh (SXKD) như vay đầu tư toa xe…

“Không đầu tư phương tiện thì không thu hút được khách. Nhưng đầu tư thì hàng năm phải chịu áp lực trả gốc và lãi vay rất lớn, trong khi tình hình SXKD khó khăn.

Mỗi năm, chúng tôi đang phải trả ngân hàng cả gốc, cả lãi hơn trăm tỷ đồng cho dự án đầu tư 90 toa xe khách và 50 toa xe hàng”, ông Tuấn nói.

Tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, năm 2020, DN này dự kiến lỗ khoảng 92 tỷ đồng, đó là chưa tính đến thiệt hại vì dịch Covid-19.

“Các chỉ tiêu công ty cũng xây dựng kế hoạch giảm chỉ bằng 90% so với năm 2019. Xây dựng vậy để cố gắng phấn đấu thôi, chứ để đạt được thực sự rất khó”, ông Hiệp kêu khó.

Phân tích thêm nguyên nhân, ông Hiệp cho hay, đường sắt Việt Nam là đường đơn. Khi triển khai bất kỳ dự án nào thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn để cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chạy tàu.

Ví dụ, để thi công một hầm đường sắt thì thời gian cần phong tỏa đường sắt tối thiểu phải 6 giờ. Từ Hà Nội vào TP HCM chỉ cần 3 hầm phong tỏa như vậy là đã kéo dài hành trình tàu.

Trong khi đó, thời gian hành trình dài luôn là điểm yếu của vận tải đường sắt trong cuộc cạnh tranh với các phương thức vận tải khác như hàng không giá rẻ, ô tô.

Thông tin thêm, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, từ cuối năm 2019, lường trước được khó khăn khi triển khai thi công gói 7.000 tỷ, ngành Đường sắt đã xây dựng kế hoạch năm 2020 giảm doanh thu vận tải khoảng vài nghìn tỷ so với năm 2019.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng đã duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của tổng công ty với khoản lỗ dự kiến 168 tỷ đồng.

“Họa vô đơn chí, giờ lại thêm cả ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng công ty đang yêu cầu rà soát lại kế hoạch sản lượng, doanh thu từng mác tàu, từ đó xây dựng, đánh giá các kịch bản để xem có cần tiếp tục điều chỉnh kế hoạch hay không”, ông Quốc Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.