Một chiếc máy bay của chính phủ Myanmar những năm 1950 |
Không ai dám tin cướp máy bay thành công
Theo Lao Động, Saw Kyaw Aye là thành viên của nhóm phiến quân Karren (hay còn gọi là tổ chức Liên minh Dân tộc Karen), một lực lượng đòi ly khai khỏi Myamar từ năm 1948 đến nay. Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông Aye vẫn nhớ như in vụ không tặc đầu tiên do chính mình lên kế hoạch và thực hiện vào năm 1954, khi ấy ông 30 tuổi, mang quân hàm Thiếu tá.
Trả lời phỏng vấn BBC mới đây, Saw Kyaw Aye tiết lộ để thực hiện âm mưu táo bạo: đánh cắp một chiếc máy bay loại Dakota DC-3 và sử dụng nó để buôn lậu vũ khí, ông Aye và 3 thành viên khác của nhóm Karen mua vé của hãng Union of Burma Airways trong chuyến bay từ Rangoon đến Thủ đô Arakan, Sittwe. Chiếc máy bay cất cánh vào ngày 25 với 4 phi hành đoàn và 14 hành khách, trong đó có cả sĩ quan quân đội.
Sau khi chuyến bay cất cánh được 2 giờ, Aye lẻn vào buồng lái, rồi hét vào mặt phi công người Anh - Đại úy AE Hare: “Tôi sẽ chết cho “quốc gia Karen” của chúng tôi, còn các ông cũng muốn chết cùng chứ?”.
Nhận thức rõ sự nguy hiểm, viên cơ trưởng Hare xin đầu hàng. Ông Aye nhanh chóng rút bản đồ đã chuẩn bị sẵn và chỉ vào một vị trí ở gần biên giới Myamar - Thái Lan. Trên dãy núi Dawna có một sân bay nhỏ - nơi còn sót lại vũ khí của quân đội Anh và Nhật Bản. Nhóm không tặc dự định hạ cánh ở đó. Trong 3 giờ bay, Aye chăm chú nhìn xuống mặt đất, cố gắng tìm kiếm đường băng đã yêu cầu các phiến quân khác chuẩn bị sẵn trước đó, nhưng không thấy.
Không tặc cướp máy bay - cựu phiến quân Karren, Saw Kyaw Aye khi còn trẻ |
Lúc này, Aye phỏng đoán rằng, có lẽ không ai trong nhóm phiến quân tin vụ cướp máy bay này có thể thành công. Thậm chí trước đó, khi Aye trình bày kế hoạch cướp máy bay với 2 chỉ huy cao cấp nhất của phiến quân Karen, đã bị từ chối. Một trong số họ còn gọi Aye là một kẻ ngốc. Nhưng Aye vẫn quyết thực hiện kế hoạch táo bạo của mình, mà không biết chắc liệu sẽ nhận được sự hậu thuẫn của thành viên nào trong nhóm hay không? Đó là một kế hoạch bí mật. Chỉ có các chỉ huy cấp cao của KNDO biết, ngay cả những thành viên trong gia đình Aye cũng không biết.
Nhưng vấn đề là chiếc máy bay Aye cướp đang ở trong tình trạng cần phải hạ cánh khẩn cấp vì sắp hết nhiên liệu. Không có đường băng, trong cơn tuyệt vọng, phi công buộc phải cố gắng hạ cánh xuống một bãi biển hoang vắng. Sau 2 lần hạ cánh không thành công, trước khi chuẩn bị thử lần thứ ba thì chiếc máy bay lao xuống bãi cát.
Thành công ngoài mong đợi
May mắn, hành khách và phi hành đoàn đều an toàn rời khỏi chiếc máy bay. Còn nhóm không tặc đã phát hiện ra chiếc máy bay chở theo một số hòm kim loại nặng. Đó là những hòm đựng tiền mặt - 700.000 kyat (vào khoảng 700 đôla hay 400 bảng, nhưng thời đó là cả một khoản khổng lồ) được vận chuyển từ ngân hàng tới các chi nhánh tại Myanmar.
"Chúng tôi nhận ra đó là tiền của kẻ thù nên chúng tôi lấy hết", ông Saw kể lại với một nụ cười đắc thắng. Hành khách và phi hành đoàn được phép trở lại máy bay, và phi hành đoàn được phép quay trở lại máy bay. Chiếc máy bay được tiếp nhiên liệu, cất cánh quay về.
Vì vụ không tặc này mà cựu phiến quân Karren bị Chính phủ Myanmar săn lùng suốt 7 năm. Tuy nhiên, ông Saw đã tránh được việc bị bắt trong vài năm sau đó, trước khi trở thành một người trung gian trong các cuộc đàm phán giữa phiến quân với chính phủ Myamar. Mặc dù vậy, đến nay sau 60 năm, cuộc nội chiến ở Myanmar vẫn chưa được giải quyết.
Ảnh chụp nhóm phiến quân Karen |
Câu chuyện có thật được mong đợi trên màn ảnh
Theo Dân Việt, câu chuyện cướp máy bay của cựu phiến quân Myanmar chẳng khác nào kịch bản phim Hollywood. Nhưng suốt hàng chục năm qua, câu chuyện này bị giấu kín. Chính phủ Myanmar hoàn toàn không muốn "phổ biến" chuyện phiến quân táo tợn đã cướp thành công một chiếc máy bay.
Tuy nhiên, năm 2013, vụ việc lần đầu tiên được công khai tiết lộ, xuất bản thành sách với tiêu đề: “Vụ không tặc đầu tiên trên thế giới”. Sau khi xuất bản sách, một bộ phim về vụ không tặc này cũng được chuyển thể lên màn ảnh.
P.V (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận