Hỏi - Đáp

Kẻ mang súng cướp tiệm vàng ở Huế đối diện hình phạt nào?

02/08/2022, 14:34

Ngô Văn Quốc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về việc cướp tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng hoặc công cụ hỗ trợ...

Liên quan vụ cán bộ Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên Huế) mang súng AK đi cướp tiệm vàng tại chợ Đông Ba (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVD, đoàn Luật sư Đà Nẵng) có những chia sẻ các vấn đề pháp lý liên quan.

img

Các tiệm vàng tại chợ Đông Ba bị Ngô Văn Quốc cướp

Theo luật sư Trần Hậu, vụ việc đang được điều tra làm rõ, có những tình tiết cụ thể chưa được kết luận.

Tuy nhiên, dựa trên các thông tin đã có thì có thể đánh giá một số vấn đề như: hành vi sử dụng súng của Ngô Văn Quốc nếu súng này là súng quân dụng thì có dấu hiệu phạm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt từ 1 đến 7 năm tù, ngoài ra nếu xảy ra các hậu quả pháp lý khác thì có thể bị xử phạt nặng hơn.

Khoảng 12h40 ngày 31/7, đối tượng Ngô Văn Quốc (38 tuổi, cấp bậc đại úy) công tác tại Trại giam Bình Điền (đóng ở xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) mặc đồ Công an, sử dụng súng AK bất ngờ xông vào hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi, trước chợ Đông Ba nổ súng, cướp vàng.

Sau lấy vàng, Quốc chạy ra trước cổng chợ, quăng các túi vàng ra giữa đường Trần Hưng Đạo và các lùm cây, hô lớn "vàng cho người nghèo". Sau đó, chạy về cầu Gia Hội, xuống khu vực nhà lục giác đường Trịnh Công Sơn.

Trường hợp súng này là công cụ hỗ trợ thì có thể có dấu hiệu phạm tội sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ theo Điều 306 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Theo Luật sư Hậu, đối với hành vi nổ súng, uy hiếp để chiếm đoạt vàng của hai tiệm vàng thì có dấu hiệu của tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, với tội danh này, tùy theo mức độ phạm tội khác nhau, người phạm tội có thể bị xử phạt tù từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Luật sư Trần Hậu cho biết thêm, về nguyên tắc, cán bộ trại giam chỉ được mang súng hoặc công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ, mọi trường hợp không nhằm mục đích công vụ mà mang ra ngoài cho mục đích trái luật như trường hợp cướp tiệm vàng ở Huế là trái quy định pháp luật.

"Nếu có các cán bộ có liên quan có trách nhiệm quản lý vũ khí quân dụng hoặc công cụ hỗ trợ mà có vi phạm thì cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý với vai trò khác nhau đối với vụ việc và có thể bị xử lý trách nhiệm tùy mức độ vi phạm, theo đó có thể bị kỷ luật, xử phạm vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

img

Luật sư Trần Hậu

Trong tình hình hiện nay cơ quan điều tra cần điều tra làm rõ vì sao lại có việc cán bộ trại giam có thể mang súng ra bên ngoài để thực hiện vụ cướp vừa qua để làm rõ trách nhiệm pháp lý của các bên", luật sư Hậu cho biết.

Đối với thông tin đối tượng Quốc có dấu hiệu bất thường về tâm lý, Hậu cho biết, cần lưu ý là việc có bệnh hay không, bệnh tâm thần có đến mức làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi hay không thì mới thuộc trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, cần có các hoạt động giám định pháp y để có kết luận liên quan đến tình trạng bệnh lý của người có hành vi vi phạm pháp luật.

"Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự 2015, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh", luật sư Trần Hậu thông tin.

Theo Luật sư Trần Hậu, đối với những người nhặt được vàng do Quốc ném ra đường, nếu không giao nộp cho cơ quan công an thì tùy theo tính chất mức độ khác nhau có thể bị xử lý trách nhiệm pháp lý khác nhau.

Theo đó, nếu việc chiếm giữ tài sản là vàng trị giá dưới 10 triệu đồng mà không giao nộp thì có thể bị xử phạt với mức từ 3 đến 5 triệu đồng và tài sản chiếm giữ sẽ bị tịch thu.

Trường hợp tài sản chiếm giữ là vàng từ 10 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.