Đường thủy

Kè trăm tỷ thành chướng ngại vật, vì sao chưa thể thanh thải?

26/10/2020, 10:00

Cụm kè tại ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn bị sập, hỏng hoàn toàn, đang là chướng ngại vật nguy hiểm trên đường thủy.

img
Dãy kè vây phía đảo đất sạt bị đứt, gãy đổ thành các đoạn

Đáng nói, không chỉ gây mất an toàn, mỗi năm Cục Đường thủy nội địa VN chi hàng tỷ đồng để tổ chức điều tiết giao thông thủy.

Kè tan nát, phải chi tiền tỷ điều tiết giao thông

Trước năm 2015, ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn (Ngã ba Kèo, Hải Dương) chỉ có một luồng chảy giao cắt hai sông, song phía sông Kinh Thầy cong cua nên gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền qua lại.

Do đó, nơi này được đào mở thêm một luồng tàu để nối hai sông ở vị trí hạ lưu ngã ba sông Kinh Môn (thuộc dự án WB6), đồng thời xây dựng hệ thống kè ven bờ và xung quanh đảo đất (được tạo ra do việc mở luồng mới) để chỉnh trị luồng, chống sạt lở.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi xây dựng xong, dãy kè vây quanh đảo đất bị sập, gãy đổ. Nghiêm trọng nhất là nửa phía đảo tiếp giáp với luồng mới mở (luồng tắt), với gần nửa đảo đất bị trôi sụt hết, khiến kè chỉ còn “vây nước” và dần bị đứt gãy thành các đoạn rời nhau, một vài đoạn sập đổ hẳn xuống sông, không còn tác dụng.

Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy, dãy kè khung vây đảo đất nằm trong tổng thể gói đầu tư xây dựng hệ thống kè ven bờ, kè mỏ hàn để tạo luồng mới và chỉnh trị luồng khu vực Ngã ba sông Kinh Môn - Kinh Thầy, có tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết cấu kè là từ giai đoạn thi công (năm 2012 - 2013), khu vực trên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép rầm rộ, ảnh hưởng lớn đến địa hình khu vực, song kè vẫn được thi công đúng thiết kế.

Còn theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, những tháng đầu năm 2017, tình trạng khai thác cát trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kết cấu cụm kè. Cùng đó, năm 2017 - 2018, một số đoạn kè vây bị gãy, đổ do phương tiện thủy đâm va.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu vực Ngã ba sông Kinh Môn - Kinh Thầy tại thời điểm nước dâng cao cho thấy, dãy kè bị sụp đổ ngập hoàn toàn trong nước, chỉ có thể nhận biết được vị trí bằng biển báo hiệu chướng ngại vật và được thả phao giới hạn luồng.

Không chỉ thiệt hại lớn về tài sản hạ tầng đường thủy, dãy kè sập còn trở thành chướng ngại vật, gây nguy hiểm cho tàu thuyền lưu thông qua luồng mở mới. Theo ông Vũ Cao Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7, khi thủy triều ngập vượt quá bờ tường kè, tàu thuyền rất khó phát hiện, dễ xảy ra tai nạn tàu đâm va vào kè, nhất là khi nước chảy xiết, ban đêm.

“Thực tế các năm 2017 - 2018, xảy ra gần chục vụ tàu đâm va vào kè vây. Có trường hợp bị chìm tàu hoặc mắc cạn trên thân kè”, ông Khải nói.

Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết, thời điểm trên, dự án đã được hoàn thành, nhà thầu hết thời hạn bảo hành và bàn giao cho Cục Đường thủy nội địa VN quản lý. Tuy vậy, dù tàu đâm hỏng kè, song cũng không thấy đơn vị nào khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, để đảm bảo ATGT khu vực trên, năm 2019 - 2020 phải tổ chức lực lượng thường trực 24/24h để điều tiết, hướng dẫn đảm bảo giao thông thủy.

Đơn vị điều tiết giao thông được lựa chọn qua đấu thầu, trong đó năm 2019 tổ chức điều tiết vài tháng mùa mưa lũ, còn năm 2020 thực hiện từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020 (10 tháng), với kinh phí là hơn 6,14 tỷ đồng.

Vẫn chưa có phương án thanh thải, tiếp tục chi thêm tiền điều tiết

Theo hợp đồng với Cục Đường thủy nội địa VN, đơn vị điều tiết lập 2 chốt tàu, xuồng trực đảm bảo giao thông. Một chốt trên sông Kinh Môn phía thượng lưu ngã ba sông, một chốt đầu sông Kinh Thầy, tại ngã ba giao với luồng mở mới.

“Mỗi ngày có khoảng 300 tàu chở hàng qua đây, trọng tải từ vài trăm đến 1.000 - 2.000 tấn. Từ khi khu vực này được tổ chức chốt trực điều tiết giao thông đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn đường thủy nào, chưa phải ứng cứu trường hợp tàu nào gặp sự cố”, đại diện đơn vị điều tiết giao thông cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải điều tiết giao thông đang là một nghịch lý, gây lãng phí lớn. Dự án xây kè chưa lâu đã hỏng, giờ lại mất hàng tỷ đồng mỗi năm để canh kè vỡ.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm 2021 đơn vị này vẫn tiếp tục tổ chức lực lượng thường trực điều tiết giao thông thủy tại khu vực trên, cũng như chưa có kế hoạch, phương án khác để giải quyết đối với cụm kè hỏng.

“Cụm kè trên bị sập gãy nhưng chưa đánh giá được là có còn tác dụng hay không. Đây là tài sản hạ tầng đường thủy và để biết còn tác dụng hay không cần phải thuê tư vấn chạy mô hình để tính toán. Do đây đang là khu vực đường thủy nguy hiểm nên năm 2021 Cục Đường thủy nội địa VN tiếp tục tổ chức điều tiết giao thông”, ông Thắng nói.

Còn theo lãnh đạo Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 (đại diện nhà thầu, đơn vị bảo trì tuyến), khu vực trên hiện có thêm cảng thủy của Nhà máy nhiệt điện Hải Dương đi vào hoạt động, nên giao thông phức tạp hơn. Nếu không tổ chức điều tiết, cần giải pháp triệt để là khắc phục hoặc tháo dỡ kè để thanh thải hoàn toàn chướng ngại vật.

Nhân viên không hướng dẫn, phương tiện vẫn lưu thông bình thường

Đáng nói hơn, ghi nhận của PV trong gần nửa ngày tại Ngã ba sông Kinh Môn - Kinh Thầy, các phương tiện thủy lưu thông qua đây bình thường dù nhân viên, phương tiện điều tiết không hướng dẫn phương tiện đi lại. Tàu thuyền lưu thông bình thường đi từ hướng thượng lưu sông Kinh Môn để vào sông Kinh Thầy mà không vòng qua đảo để đi theo luồng mới mở như theo quy chế đi lại.

Nói thêm là, trong 2 tháng đầu năm 2020, khu vực trên không được tổ chức lực lượng điều tiết giao thông (hợp đồng điều tiết từ tháng 3 - 12/2020), nhưng cũng không xảy ra vụ tai nạn hay sự cố giao thông thủy nào. Khu vực trên cũng có một chốt trực của CSGT đường thủy Hải Dương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.