Ngừng thi công tránh đường ống nước
Những ngày đầu tháng 5, nhà thầu thi công, xây lắp cả 4 gói thầu thuộc dự án Cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đều đang huy động tối đa máy móc, nhân lực để đồng loạt thi công.
Vị trí đường ống nước sạch hiện là vướng mắc mặt bằng của dự án
Ngừng thi công tránh đường ống nước
Những ngày đầu tháng 5, nhà thầu thi công, xây lắp cả 4 gói thầu thuộc dự án Cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đều đang huy động tối đa máy móc, nhân lực để đồng loạt thi công.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường dự án, các hạng mục đang được tập trung thi công gồm: Trụ cầu và gác dầm cầu vượt kênh, đóng cọc tường và làm sàn bê tông cốt thép công trình âu tàu, đúc cấu kiện bê tông, đào đất lòng kênh, đắp đê bao bờ kênh…
Theo Ban Quản lý các dự án Đường thủy, trước và trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, dự án duy trì thi công để tranh thủ thời tiết thuận lợi, cũng như lấy lại tiến độ bị chậm trễ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phát sinh vấn đề sụt trượt đất (đến nay đã được xử lý).
Hiện dự án đạt gần 40% tiến độ tổng thể. Tiến độ được kiểm soát theo tuần và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào giữa năm 2023.
“Với tốc độ thi công hiện nay, mốc tiến độ trên là khả thi, tất nhiên là nếu có mặt bằng”, ông Nguyễn Văn Thưởng, giám đốc dự án nói và cho biết: Mặt bằng đang là nguyên nhân gây nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án được khởi công xây dựng vào cuối năm 2020, với khoảng 45ha diện tích mặt bằng được thu hồi để phục vụ xây dựng cụm công trình. Phần lớn diện tích mặt bằng cần giải phóng đều được địa phương bàn giao đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn công trình đường ống ngầm cấp nước sạch chạy qua lòng kênh có đường kính 30cm (loại nhựa HDPE, nằm sâu trung bình 1m so với mặt đất) chưa được di dời.
Việc chậm trễ di dời công trình này khiến nhà thầu không thể thi công đào đất lòng kênh, đắp đê… xung quanh khu vực đường ống, gây ảnh hưởng lớn đến thi công.
Ghi nhận tại hiện trường, vị trí có đường ống ngầm nằm cách đầu kênh phía sông Đáy khoảng hơn 200m, được cắm biển đánh dấu: “Đường ống nước sạch” chỉ về hai hướng. Nền đất khu vực xung quanh, chạy hai bên theo vị trí đường ống mới được đào, đắp một vài vị trí.
Hiện hoạt động thi công phải tạm ngừng để không gây ảnh hưởng đến đường ống ngầm.
Ông Thưởng cho biết thêm, Ban QLDA tích cực phối hợp với chính quyền huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định để triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời và hoàn trả đường ống cấp nước ngầm trên theo đúng quy định pháp luật.
Tuy vậy, qua rất nhiều lần cơ quan chức năng của địa phương và Ban QLDA làm việc với chủ công trình, đến nay chủ công trình vẫn không đồng thuận với phương án di dời, hoàn trả đường ống được đưa ra mà yêu cầu theo phương án không khả thi.
Lòng vòng yêu cầu di dời, hoàn trả công trình
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban QLDA huyện Nghĩa Hưng (đơn vị được giao GPMB dự án) cho biết, công tác GPMB dự án được triển khai từ tháng 11/2019, với khoảng 45ha đất nông nghiệp và thổ cư, công trình ảnh hưởng đến 337 hộ dân.
Quá trình GPMB, hầu hết các hộ dân ủng hộ, đồng thuận nên dự kiến đến tháng 8/2022 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, chủ công trình đường ống ngầm nước sạch bất ngờ thay đổi yêu cầu phương án hoàn trả mà dự án không thể đáp ứng, nên dẫn đến việc giải quyết kéo dài.
“Công trình đường ống ngầm cấp nước sạch có chiều dài khoảng 800m của nhà máy nước sạch do Công ty TNHH Mai Thanh làm chủ đầu tư.
Ngay từ ban đầu, phương án di dời, hoàn trả đường ống được các cơ quan liên quan và chủ công trình thống nhất là đi ngầm dưới lòng kênh. Sau đó, chủ công trình đổi ý, yêu cầu hoàn trả đường ống đi nổi vượt qua kênh.
Nguyên nhân dẫn đến việc chủ công trình đổi ý như trên do ban đầu tưởng rằng sẽ nhận được tiền để xây dựng đường ống hoàn trả, nhưng theo quy định chỉ nhận công trình hoàn trả”, ông Vũ Đức Long, Phó phụ trách Ban QLDA huyện Nghĩa Hưng cho biết.
Cũng theo ông Long, giai đoạn đầu giải quyết di dời, hoàn trả đường ống, Công ty TNHH Mai Thanh thuê tư vấn thiết kế đường ống theo phương án ngầm dưới lòng kênh, với tổng chi phí đầu tư hơn 8,3 tỷ đồng và đề xuất cơ quan chức năng chi trả.
“Khi chủ công trình yêu cầu chi trả tiền, huyện Nghĩa Hưng và các sở, ngành của tỉnh Nam Định đối chiếu với các quy định hiện hành nhận thấy không có quy định chi trả bằng tiền, mà chỉ hoàn trả bằng công trình.
Từ đó, chủ công trình quay sang yêu cầu hoàn trả bằng đường ống đi nổi. Trong khi phương án đường ống đi trên cao không khả thi”, theo ông Long.
Đề cập phương án kỹ thuật hoàn trả đường ống, lãnh đạo Ban QLDA Đường thủy cho biết, phương án đưa đường ống đi nổi kẹp vào thân cầu vượt kênh không khả thi do vượt sức chịu tải của cầu, nên không đảm bảo an toàn.
Còn làm trụ, đường riêng vượt kênh để đỡ đường ống khiến chi phí dự án rất lớn (gấp khoảng 3 lần so với đi ngầm) do phải đảm bảo độ cao 15m tương ứng với cầu để đảm bảo thông thuyền, chưa kể chi phí thường xuyên vận hành (trạm bơm đẩy nước lên).
“Hầu hết các đường ống nước sạch đi ngang sông, kênh hiện nay đều được xây dựng đi ngầm. Phương án hoàn trả đường ống đi ngầm mà dự án đưa ra là khả thi, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và đang được áp dụng rộng rãi tại các tuyến đường thủy hiện nay”, lãnh đạo đơn vị quản lý dự án cho biết.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Mai Thanh vẫn giữ quan điểm không muốn nhận hoàn trả công trình đường ống theo phương án đi ngầm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, giám đốc công ty, làm theo phương án đó công ty sẽ khó khăn, bất lợi trong việc duy tu, bảo trì đường ống.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định nhiều lần họp bàn để xem xét nội dung, kiến nghị của doanh nghiệp này. Chính quyền huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng tổ chức các hội nghị đối thoại nhằm vận động, thuyết phục chủ đầu tư đồng thuận với phương án di dời, hoàn trả đường ống ngầm để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết, sắp tới, chính quyền địa phương tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, trường hợp chủ công trình không hợp tác sẽ thực hiện cưỡng chế di dời và hoàn trả đường ống theo phương án đi ngầm để giải quyết dứt điểm vướng mắc trên.
Dự án cụm công trình nối kênh Đáy - Ninh Cơ có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, vốn vay WB và đối ứng trong nước.
Các hạng mục chính gồm: Đào tuyến kênh dài gần 1km nối sông Đáy và Ninh Cơ đáp ứng phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, trên kênh có âu tàu để kết hợp phục vụ giao thông thủy và ngăn nước mặn; xây dựng cầu bê tông cốt thép có tĩnh không 15m thuộc Tỉnh lộ 490C.
Dự án nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận