Đường thủy

Kênh Vĩnh Tế có vai trò lớn phát triển hạ tầng giao thông thuỷ vùng Tứ giác Long Xuyên

14/11/2024, 16:20

Kênh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc, tỉnh An Giang đến huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, có tổng chiều dài 91km, trong đó có 37km đào mới, phải huy động đến 80.000 lượt người đào bằng tay, sau năm năm mới hoàn thành.

Sáng 14/11, tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai" do UBND tỉnh An Giang phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức.

Hội thảo có 50 bài viết, báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong cả nước.

Kênh Vĩnh Tế có vai trò lớn phát triển hạ tầng giao thông thuỷ vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn chiến lược.

Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, kỷ niệm 200 năm hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024), 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế và 192 năm Ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (22/11/1832 -22/11/2024) là dịp để chúng ta tìm hiểu, ôn lại và tri ân công lao, những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân đối với đất nước nói chung, với vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là đối với vùng đất An Giang nói riêng.

Năm 1819, tức năm Kỷ Mão, vua Gia Long ban sắc dụ giao quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh và Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế. Công trình đường thủy này ăn thông từ Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc), tỉnh An Giang đến huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, có tổng chiều dài 91km, trong đó có 37km đào mới, chiều rộng trung bình 30m, chiều sâu từ 2,25 – 6m, phải huy động đến 80.000 lượt người đào bằng tay.

Kênh Vĩnh Tế có vai trò lớn phát triển hạ tầng giao thông thuỷ vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh 2.

Các đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia tham dự Hội thảo.

Quá trình đào kênh rất nhiều rủi ro lao động, gian khổ, phải mất năm năm, tức vào tháng 5/1824 mới hoàn thành, đến nay đã trải qua 200 năm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá, kênh Vĩnh Tế là một công trình lịch sử vĩ đại ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu thế kỷ XIX, là niềm tự hào của triều Nguyễn, được ghi tên vào Cao Đỉnh ở Huế.

Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò lớn phát triển hạ tầng giao thông thuỷ của vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ). Ngoài phục vụ tưới tiêu, chức năng quan trọng của dòng kênh Vĩnh Tế là tạo ra tuyến giao thông đường thuỷ nối liền các khu vực theo dòng chảy của nó.

Trong giai đoạn đầu, vấn đề di chuyển và vận chuyển hàng hóa chủ yếu dựa vào sông ngòi và kênh rạch tự nhiên. Khi kênh Vĩnh Tế hình thành đã tạo ra tuyến giao thông thủy góp phần quan trọng vào việc vận chuyển hàng hóa đến hoặc đi từ vùng phía Tây Nam của ĐBSCL.

Kênh Vĩnh Tế có vai trò lớn phát triển hạ tầng giao thông thuỷ vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh 3.

Kênh Vĩnh Tế đã tạo nên những đô thị sầm uất, những vùng nông thôn trù phú dọc dài biên giới Tây Nam. ảnh Kim Luận.

Sau gần 200 năm khai thác, tuyến giao thông thủy kênh Vĩnh Tế đã chứng minh vai trò quan trọng giao thương hàng hóa xuyên biên giới. Tuyến kênh này hình thành hành lang kinh tế nối liền các cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên, Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) với cảng biển Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Qua đó, hệ thống giao thông thủy này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển thương mại biên giới với Campuchia, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản được nhanh chóng và giảm chi phí vận chuyển.

Kênh Vĩnh Tế có vai trò lớn phát triển hạ tầng giao thông thuỷ vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh 4.

Dãy nhà bên dòng kênh Vĩnh Tế, đoạn qua phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Hiện nay, kênh Vĩnh Tế được phân cấp là tuyến đường thủy nội địa, được quản lý bởi 3 đơn vị: Chi cục đường thủy nội địa phía Nam quản lý từ ngã 3 kênh Vĩnh Tế (tiếp giáp sông Hậu, TP Châu Đốc) đến Bến Đá Núi Sam với chiều dài khoảng 8,5km, cấp kỹ thuật là cấp III, có thể khai thác hiệu quả đối với đoàn sà lan 2 x 400 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn.

Tỉnh An Giang quản lý chiều dài khoảng 37,5km, từ Bến Đá Núi Sam đến ranh tỉnh Kiên Giang, với cấp kỹ thuật là cấp IV, có thể khai thác hiệu quả với đoàn sà lan 2 x 100 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 100 tấn.

Tỉnh Kiên Giang quản lý từ ranh tỉnh An Giang đến sông Giang Thành với chiều dài khoảng 15,5km, với cấp kỹ thuật là cấp VI, có thể khai thác với phương tiện thủy nội địa trọng tải đến 10 tấn.

Chính vì thế, có thể nói, kênh Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vị vua triều Nguyễn, có giá trị kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, lịch sử và quân sự đến tận ngày hôm nay.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.