Không để tình trạng giãn cách kéo dài
Nhận định về tình hình dịch của 12 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Tình hình dịch cơ bản đang từng bước kiểm soát, tuy nhiên, vẫn luôn có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát.
Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm, xử trí kịp thời.
Họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với 12 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ
Từ ngày 27/4/2021 đến nay, tại 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ, đã ghi nhận 35.113 ca mắc, chiếm 6,1% số ca mắc của cả nước và chiếm 6,6% số ca mắc của 19 tỉnh miền Nam.
Riêng số ca mắc của 2 tỉnh Tiền Giang với 11.274 ca và Đồng Tháp với 7.691 ca đã bằng tổng số mắc bằng tổng số mắc của 10 tỉnh còn lại cộng lại.
Về xu hướng ghi nhận ca mắc trong 7 ngày qua, có 6 tỉnh có số mắc thấp (dưới 20 ca/ngày); 3 tỉnh có số mắc ghi nhận xu hướng giảm; 3 tỉnh có số mắc ghi nhận không giảm. Trong đó tỉnh Kiên Giang ghi nhận số mắc trong ngày cao nhất, từ 100-200 ca/ngày.
Về tiến độ tiêm chủng, đến ngày 7/9, 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tiêm 2.501.950 liều vaccine (đạt 100% so với số vaccine được phân bổ qua 31 đợt), trong đó đã tiêm được 2.108.109 liều mũi 1 và 393.841 liều mũi 2.
Có 3 tỉnh được phân bổ số lượng vaccine nhiều nhất là Kiên Giang (336.400 liều), Đồng Tháp (291.060) và Tiền Giang (286.130).
“Trong 7 ngày qua, số mắc trong khu phong tỏa tại 12 tỉnh chiếm 22,1%, trong khu cách ly chiếm 41,9%. Do đó, các tỉnh cần rà soát lại, ngay ngày mai cần bắt tay ngay vào chống dịch với các giải pháp căn cơ trong khu vực phong toả, cách ly”, ông Tuyên yêu cầu.
Tại cuộc họp mới đây với 12 tỉnh miền Tây Nam bộ, các chuyên gia đề nghị trong thời gian tới các địa phương này cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách, không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.
Đồng thời các tỉnh thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ các đơn vị trên địa bàn theo hướng dẫn tại Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia để áp dụng việc giãn cách xã hội phù hợp, hiệu quả.
Các địa phương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn và bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời.
Chủ động lập danh sách các đối tượng tiêm chủng từng mũi theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, sẵn sàng triển khai ngay khi được phân bổ vaccine.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch khi các địa phương nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội.
Xét nghiệm trên cơ sở đánh giá nguy cơ
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các tỉnh, thành phố cần rà soát lại ngay việc thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch và phải trực 24/24h tại các cấp để sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh trong phòng chống dịch.
Đồng thời xây dựng phương án phòng chống dịch theo các mức nguy cơ để chủ động chống dịch khi có ca mắc. Trong từng phương án này phải có kế hoạch cụ thể về việc tiêm chủng vacine cho người dân.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu, các địa phương cần thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về chiến lược xét nghiệm mới nhất để phát hiện ngay trường hợp chuẩn bị lây nhiễm, đặc biệt trong các khu cách ly ở 12 tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, phải xét nghiệm trên cơ sở đánh giá nguy cơ, tránh làm tràn lan, lãng phí.
Về công tác điều trị, các địa phương phải quán triệt thực hiện phương án 3 tầng, trong đo đặc biệt lưu tâm đặc biệt tầng điều trị 1 và 2, tránh để bệnh nhân chuyển nặng phải lên tầng 3. Điều trị tốt ở tầng 1 và 2 thì giảm nguy cơ tử vong do người bệnh.
Song song đó tại các khu công nghiệp thực hiện “2 điểm đến 1 cung đường” phải xét nghiệm sàng lọc kỹ công nhân, người lao động.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương phải rà soát lại việc xây dựng và phê duyệt phương án thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà.
Các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện bình thường mới theo các địa bàn của địa phương, theo lộ trình phù hợp với tình hình dịch và các điều kiện đảm bảo, song song với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận