Thí sinh R.Tee kết hợp rap với chầu văn trong “Rap Việt”
Điều này tạo ra cơ hội để âm nhạc truyền thống tới gần hơn với công chúng trẻ, nhưng cũng là thách thức cực lớn với các nghệ sĩ.
Tân cổ giao duyên
Sau khi đạt giải Nhì chung cuộc Giọng hát hay Hà Nội 2020 và giải Bài hát hay nhất về Hà Nội của cuộc thi với ca khúc “Xẩm Hà Nội”, ca sĩ trẻ Hà Myo đã ra mắt MV của ca khúc này và nhanh chóng nhận được sự quan tâm. Hiện tại, MV của ca khúc này đã đạt gần 260.000 lượt xem sau 2 tuần.
Đây là số lượt xem không cao với một MV ca nhạc hiện nay nhưng nếu nói về thể loại âm nhạc này thì đây lại là con số đáng ngưỡng mộ.
Bởi, như đúng tên gọi, “Xẩm Hà Nội” là hát xẩm - loại hình âm nhạc dân tộc được xếp vào một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn.
Xẩm chưa bao giờ thu hút đông đảo khán giả như những thể loại âm nhạc khác, bằng chứng là những MV, video về xẩm trên mạng xã hội luôn chỉ dừng lại ở con số trung bình khoảng vài chục ngàn lượt xem.
Thế nhưng, xẩm trong “Xẩm Hà Nội” lại không thuần túy là xẩm thông thường mà kết hợp với EDM, rap - hai thể loại âm nhạc thời thượng hiện nay. Sự kết hợp đan xen giữa truyền thống và hiện đại tạo nên màu sắc riêng biệt và đây có lẽ là lần đầu tiên, có một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh kết hợp xẩm với rap.
Xuất phát từ nước Mỹ xa xôi và đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu nhưng rap mới chỉ thực sự nổi lên trong thời gian qua, “phủ sóng” trong đời sống âm nhạc của khán giả Việt.
Hai chương trình truyền hình “Rap Việt” và “King Of Rap” đình đám minh chứng cho sự phát triển của rap hiện mạnh tới mức nào. Cũng ở hai chương trình này, khán giả được chứng kiến những màn kết hợp của rap với các thể loại âm nhạc dân tộc của Việt Nam đầy lạ lùng.
Người ta vừa thấy rapper Chị Cả kết hợp với nghệ sĩ cải lương Quế Trân hát “Cô gái bán sầu riêng” trên sân khấu “King Of Rap”, lại thấy R.Tee đầy ma mị với màn kết hợp rap cùng xẩm văn (Cô hồn, Covid, Cô đơn) trong bản rap “Rằm tháng 7” ở “Rap Việt”…
Những tiết mục nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và những bản rap kết hợp này thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành làn gió mới cho cả hai loại hình nghệ thuật tưởng chừng không liên quan này. Một bên là âm nhạc truyền thống Việt Nam, một bên là âm nhạc xuất xứ phương Tây.
Hai bên “giao duyên” mang tới sự mới lạ và thú vị cho công chúng. Thế nhưng, khi cả hai thuộc về những phạm trù khác nhau kết hợp lại thì vừa mang đến cơ hội nhưng có cả thách thức cho những nghệ sĩ.
Không thể kết hợp vô tội vạ
Trong những nỗ lực bảo tồn và phát huy xẩm, đưa xẩm tiệm cận gần hơn với công chúng của thời đại mới, các nghệ sĩ từng kết hợp xẩm với một số thể loại âm nhạc thời thượng của giới trẻ như Hip hop, Beatbox… và nhận được những đánh giá tích cực.
Lần này, khi rap trở nên phổ biến và dường như đang là trào lưu nghe nhạc thì màn giao duyên ấy dĩ nhiên có những lợi thế riêng.
Theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, không riêng xẩm mà đối với nghệ thuật truyền thống nói chung, khi được khai thác dưới một hình thức thể loại âm nhạc khác là điều tốt cho cả hai bên vì sẽ tạo nên nhiều màu sắc mới.
Nghệ thuật luôn cần sự sáng tạo, tạo ra những giá trị mới rồi theo thời gian sẽ thành những giá trị thân quen.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để giới trẻ thấy rằng, nghệ thuật truyền thống không phải gì đó xa vời mà có điểm tương đồng với các thể lại âm nhạc đang được ưa chuộng. Khán giả thông qua đó sẽ biết về xẩm nhiều hơn, các tín đồ của rap sẽ chú ý tới các giá trị truyền thống hơn.
Theo lời của rapper Tobby Quốc Trung, khi đất nước hội nhập, các nền văn hóa khác được du nhập thì giới trẻ có cơ hội được tiếp cận, tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại.
Họ chợt quên Việt Nam cũng có kho tàng văn hóa dân tộc rất lớn. Những màn kết hợp này sẽ là bước đi giúp họ nhận ra không nên bỏ quên những giá trị truyền thống.
Thêm nữa, nếu chỉ đơn thuần là xẩm, là chầu văn hay một loại hình âm nhạc truyền thống nào đó có thể khó để người trẻ yêu thích. Khi được hòa trộn với rap, hiệu quả sẽ được nâng cao hơn nếu phối đúng, vừa tai, đánh trúng thị hiếu.
Dù vậy, đây vẫn sẽ là một cuộc chơi dài hơi nếu mong muốn thông qua rap để đưa các giá trị nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ. Vì có thể khán giả đại chúng dễ nghe, dễ chấp nhận cái mới trong một thời điểm nhất định nhưng không phải ai cũng thích điều đó lâu dài.
Ngoài ra, có hiệu quả tức thời không có nghĩa nghệ sĩ có thể kết hợp vô tội vạ. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chỉ ra, một khi kết hợp xẩm, chầu văn hay cải lương… với rap thì đó là một hình thức thể loại âm nhạc mới.
Âm nhạc truyền thống lúc này không còn là âm nhạc truyền thống đơn thuần nữa vì “xẩm, chầu văn... không phải như thế”. Nếu rap chiếm ưu thế hơn trong sản phẩm, đó sẽ gọi là khai thác chất liệu xẩm trong bản rap. Ngược lại, sẽ là màn kết hợp để cho ra thể loại nhạc mới.
Theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, mặc dù trong xu hướng bảo tồn âm nhạc truyền thống vẫn có dòng khám phá, thể nghiệm để kết hợp với những loại âm nhạc đương đại nhưng nếu không khéo léo, mọi thứ sẽ trở nên kệch cỡm. “Việc sáng tạo này rất cần bàn tay của những nghệ sĩ có nghề, có kinh nghiệm lâu năm hay các chuyên gia. Hai loại hình kết hợp được vì có sự tương đồng nhất định nhưng chọn cái nào, khai thác cái gì vào cái gì cần phải cân nhắc, để khán giả có thể chấp nhận được và không trở nên vô duyên”, anh nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận