Lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển (Xe xếp hàng làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) - Ảnh: Văn Thanh |
GTVT đóng vai trò đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào. Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này, nhiều dự án hợp tác vận tải, phát triển hạ tầng giao thông lớn, trong đó có cả đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển giữa hai nước đã và đang được triển khai.
Vận tải đường bộ Việt Nam - Lào lên tầm cao mới
Những ngày này, lượng hàng hóa xuất, nhập cảnh vào Việt Nam thông qua cảng Cửa Lò (Nghệ An) để vận chuyển sang Lào đang liên tục tăng. Bình quân mỗi ngày, cảng đón từ 2 - 3 tàu cập cảng, hàng chục lượt xe đầu kéo tới cảng để bàn giao, tiếp nhận hàng hóa từ Lào xuất đi các nước và ngược lại.
Ông Nguyễn Danh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Trong ba năm trở lại đây, lượng hàng Lào xuất, nhập qua cảng Cửa Lò luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 25 - 35%”.
Tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), một trong những cảng biển miền Trung được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nước bạn Lào cùng khai thác, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Lào bình quân hàng năm đạt từ 550 - 600.000 tấn, chiếm hơn 20% tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng.
"Việc hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao đầu tiên dài nhất của Lào sẽ tạo thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe tải lưu thông để kết nối Thủ đô của hai nước và có thể kết nối với Thủ đô các nước trong khu vực, tạo tiền đề để hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối khu vực”. |
Ông Dương Thế Cường, Giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào cho biết: “Giai đoạn 2001 - 2011, lượng hàng hóa quá cảnh của Lào thông qua cảng chỉ đạt khoảng 15.000 tấn hàng/năm, nhưng những năm gần đây đã tăng nhanh chóng, cao nhất là năm 2014, với sản lượng hàng hóa đạt trên 700.000 tấn. Năm 2016, công ty đã phối hợp với một số DN nghiên cứu, xúc tiến sớm đưa hàng container của Lào quá cảnh qua cảng Vũng Áng thay vì đi các cảng Thái Lan nhằm rút ngắn cung đường vận chuyển, tiết kiệm chi phí.
Thông tin thêm, ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thọ Lam (Hà Tĩnh) cho biết, từ năm 2009, đơn vị khai thác tuyến Hà Tĩnh - Viêng Chăn với tần xuất 3 chuyến/tuần nhưng năm 2011 đã tăng thêm 2 tuyến là Hà Tĩnh - Khăm Muộn và Hà Tĩnh - Xiêng Khoảng, nâng tổng số phương tiện tham gia vận tải liên vận lên thành 12 xe.
Liên quan đến hoạt động vận tải giữa hai nước, ông Nguyễn Ngọc Thuyên, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết, việc kết nối hạ tầng giữa Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố và phát triển.
Việt Nam - Lào đang phối hợp đẩy mạnh khai thác, tổ chức vận tải một cách hiệu quả. Tháng 9/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT hai nước đã ký Bản ghi nhớ “Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm nâng quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực GTVT lên tầm cao mới, toàn diện và thực chất hơn. Tiếp đó, hai bên đã tích cực đàm phán, ký kết, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Hiệp định song và đa phương mà hai bên tham gia, ký kết. Do thực hiện có hiệu quả, đi vào thực chất các hiệp định trên nên đã thúc đẩy giao thương qua lại giữa hai bên, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và giao lưu kinh tế, văn hóa của nhân dân hai nước, giúp hai nước hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực và quốc tế.
Cụ thể, năm 2016, hai nước phối hợp với Thái Lan xem xét để mở tuyến vận tải hành khách đường bộ từ Hà Tĩnh qua Khăm Muộn (Lào) đến Nakhonphanom (Thái Lan) và ngược lại. Các chuyến bay kết nối hai nước đã và đang được tăng cường. Hiện, có hai hãng khai thác đường bay giữa Việt Nam - Lào gồm: Lao Airlines và Vietnam Airlines. Trong đó, Lao Airlines khai thác ba đường bay và Vietnam Airlines khai thác hai đường bay xuyên Đông Dương. Sản lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2016 đạt 155.000 khách, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện thông tin: Đến nay, Tổng cục đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế Việt - Lào cho 631 DN, HTX vận tải. Hai nước Việt Nam - Lào cũng đã tổ chức được 50 tuyến vận tải hành khách cho 44 DN với 275 xe ô tô đang khai thác trên các tuyến. Việt Nam cũng đã cấp 16.801 giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại, tạo điều kiện và thúc đẩy đi lại của phương tiện phi thương giữa hai nước.
Phương tiện xếp hàng làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị - Ảnh: Văn Thanh |
Sẽ xây dựng đường cao tốc kết nối Thủ đô hai nước
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, GTVT có vai trò đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có cả đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển giữa hai nước đã và đang được triển khai. Các tuyến đường ngang Đông - Tây thành những trục giao thông trọng yếu như đường: 2E, 7, 8, 9, 18B… của Lào kết nối với các tuyến đường bộ của Việt Nam như QL: 279, 7, 8, 9, 40, 12… đã giúp nước bạn có thêm điều kiện lưu thông vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh thông qua các cảng biển Việt Nam (Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng...). Hiện, Bộ GTVT hai nước đã hoàn thành nghiên cứu khả thi tuyến đường thuộc tuyến nối chiến lược Hủa Phăn - Xiêng Khoảng và Thanh Hóa.
Theo Thứ trưởng Thọ, để khai thác, kết nối GTVT giữa hai nước hiệu quả hơn, Bộ GTVT hai nước đã hoàn thành nghiên cứu và trình Chính phủ hai nước phê duyệt đề án kết nối tổng thể về GTVT giữa Việt Nam và Lào. Có thể kể đến hàng loạt dự án sẽ được ưu tiên trong thời gian tới như: Đầu tư xây dựng cao tốc nối Hà Nội - Viêng Chăn và dự án xây dựng tuyến đường Phu-thít-phờng đi Na Xon (dài 105km) nối Cố đô Luông Pha Băng với tỉnh Điện Biên của Việt Nam. Cùng đó, hai nước cũng đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn - cảng Vũng Áng.
Đặc biệt, Bộ GTVT coi dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn là dự án trọng điểm nhằm đột phá kết nối giữa hai nước, hình thành một hành lang Đông - Tây mới kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, phương án tuyến Viêng Chăn - PạcXăn - Thanh Thủy - Hà Nội là phù hợp với nội dung của Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các hiệp định, biên bản khác giữa hai nước. Vì vậy, Chính phủ hai nước chấp thuận ưu tiên nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Nội - Viêng Chăn theo phương án tuyến này.
“Việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc này sẽ mang lại nhiều lợi ích về chính trị, KT-XH cho cả hai nước bởi nó phát huy tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng vị trí trung tâm của Lào trong việc kết nối GTVT đường bộ với các nước trong khu vực và tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với thế giới. Đặc biệt, hình thành tuyến kết nối tối ưu nhất từ trục dọc của Lào tới các trục dọc Bắc - Nam của Việt Nam, từ Thủ đô Viêng Chăn ra biển, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam...”, Thứ trưởng Thọ đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận