THACO bắt đầu đầu tư vào hoạt động logistics từ năm 2004 |
Mạng lưới hạ tầng giao thông Quảng Nam ngày càng khởi sắc, đồng bộ, kết nối liên hoàn, rút ngắn khoảng cách lưu thông. Đặc biệt, địa phương này đang đi tiên phong xây dựng mô hình kiểu mẫu logistics “trọn gói” với mục tiêu trở thành trung tâm giao nhận - vận chuyển của khu vực và cả nước.
Liên hoàn - Trọn gói - Giá cạnh tranh
Chỉ mất vài thao tác đăng ký, Công ty Lương thực Đình Vũ đã được THACO Logistics (Công ty CP Ô tô Trường Hải - THACO) thông báo lịch vận chuyển gần 300 tấn gạo từ Tiền Giang về tận kho Tam Kỳ (Quảng Nam). Theo đó, sáng 15/3, toàn bộ số gạo trên được vận chuyển về tập kết tại khu vực kho Cái Bè (Tiền Giang) để trung chuyển đến cảng Hồ Chí Minh và xếp theo tàu Trường Hải Star 3 về cập cảng Chu Lai vào chiều tối 17/3, trước khi chuyển đến tận kho đúng yêu cầu của công ty. Với mô hình logistics này, toàn bộ đơn hàng được vận chuyển “trọn gói”, phương thức liên hoàn, nhanh gọn. Mức giá được ấn định cho mỗi container gạo (28 tấn) chỉ 9 triệu đồng, trong khi mức giá vận chuyển về đến kho tham khảo một số đơn vị logistics khác trên 10 triệu đồng/container. Theo đại diện Công ty Lương thực Đình Vũ, đơn vị đi khảo sát một số nơi, cùng hoạt động logistics nhưng chủ hàng phải qua nhiều đầu mối: Vận tải đường bộ, kho cảng, đường biển… nên mất nhiều thời gian và chi phí thường đắt hơn 10-15%.
Ông Trần Hữu Hoàng, Giám đốc cảng Chu Lai - Trường Hải, kiêm Giám đốc THACO Logistics cho biết: Ngay từ khi đặt chân đến Quảng Nam để đầu tư vào Khu KTM Chu Lai, Ban lãnh đạo THACO đã tính đến 2 bài toán cần giải quyết, đó là đào tạo nguồn nhân lực và logistics để chủ động và tiết giảm chi phí giao nhận - vận chuyển linh kiện, ô tô thành phẩm của THACO và đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực.
Từ năm 2004, THACO bắt đầu đầu tư vào hoạt động logistics với mục tiêu trở thành Trung tâm Dịch vụ logistics của Khu KTM Chu Lai và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cung cấp những giải pháp logistics thích hợp, tối ưu và tiết kiệm, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, THACO đã thành lập các công ty vận tải gồm vận tải biển, vận tải đường bộ (năm 2005), xây dựng cảng Chu Lai (năm 2010, đưa vào hoạt động tháng 5/2012), đầu tư 2 tàu Trường Hải Star 2, Star 3 (tổng sức chứa gần 1.000 TEUs); Hệ thống 75 đầu xe tải các loại; Cung ứng các dịch vụ logistics “trọn gói” với các loại hình vận chuyển: Đường bộ, đường biển và đa phương thức, cùng các dịch vụ cảng biển và kho bãi, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tại Khu KTM Chu Lai và các vùng lân cận.
Đặc biệt, từ tháng 10/2016, thực hiện chủ trương đổi mới, tái cấu trúc toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, vận chuyển của THACO, mô hình logistics này đã được “chuẩn hóa” từ quy trình, công nghệ, đến các dịch vụ đảm bảo tính liên hoàn, “trọn gói” cho các đơn hàng, hợp đồng giao nhận - vận chuyển. THACO Logistics đảm trách tất cả các công đoạn từ kho bãi, phương tiện, thủ tục… để đơn hàng vận chuyển đúng yêu cầu chỉ qua một lần đăng ký của đối tác. Không chỉ tập trung các tuyến nội địa từ phía Nam đi đến cảng Chu Lai, mô hình logistics này còn liên thông, mở rộng ra các tuyến quốc tế. Sôi động nhất là tuyến biển từ Hàn Quốc về Chu Lai được khai trương tháng 8/2016.
Thống kê, sản lượng hàng hóa qua cảng này những năm đầu hoạt động (2012-2014) chỉ đạt khoảng 300-400.000 tấn, đã tăng lên 800.000 tấn (năm 2015) và đạt 1,2 triệu tấn (năm 2016). THACO đặt mục tiêu nâng cao sản lượng này lên 2 triệu tấn (năm 2017) và đạt 3 triệu tấn vào năm 2018. Theo ông Hoàng, đơn vị xác định chiến lược tập trung thu hút các đối tác vận chuyển hàng rời từ Tây Nguyên, Quảng Ngãi hay các địa phương của Lào, Campuchia… thay vì vận chuyển đến các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn xa khoảng cách, tốn chi phí sẽ tập trung về cảng Chu Lai để tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.
Mô hình logistics “trọn gói” tại Chu Lai - Trường Hải góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm |
Hạ tầng giao thông tạo khác biệt vùng kinh tế
Theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng BQL Khu KTM Chu Lai, đây là mô hình logistics kiểu mẫu “trọn gói”, góp phần hình thành chuỗi giá trị giao nhận - vận chuyển, kết nối phương thức vận tải, tạo đà thu hút các đơn vị đến đầu tư, khai thác tại Quảng Nam. “Tỉnh đang tập trung các giải pháp xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và cả nước, qua việc mở rộng hạ tầng cảng biển, khơi thông luồng lạch để đón tàu có trọng tải lớn ra - vào làm hàng. Giao thông không chỉ mở đường phát triển địa phương mà còn tạo sự khác biệt cho các vùng kinh tế. Mô hình logistics ở các nước không mới nhưng với Quảng Nam đó sẽ là điểm nhấn cho ngành GTVT, là giải pháp chiến lược, góp phần thúc đẩy đầu tư”, ông Diện nói.
Ông Hoàng cho hay: Thực hiện chiến lược hội nhập khu vực vào 2018, giai đoạn 2017 - 2021, THACO tiếp tục mở rộng cảng Chu Lai, nạo vét luồng để tiếp nhận tàu 30.000 tấn; Mở rộng dịch vụ vận tải biển và đường tiếp cận. Riêng năm 2017, THACO đã và đang mở rộng cầu cảng về phía thượng lưu, nâng tổng chiều dài cầu cảng lên 500m, đón cùng lúc 3 tàu tải trọng 20.000 tấn.
Trước đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho triển khai dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (30.000 tấn) trong kế hoạch trung hạn 2016-2020. Theo ông Diện, thời gian tới các tuyến vận tải quốc tế trực tiếp khác sẽ được mở về cảng Chu Lai phát triển mạng lưới vận tải biển, logistics...
Ghi nhận Khu KTM Chu Lai, thời gian qua, hạ tầng giao thông liên tục được đầu tư mở rộng, đảm bảo giao thông kết nối liên vùng, liên KKT, KCN trên địa bàn và khu vực. Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam ghi nhận: Những năm qua, hạ tầng giao thông huyết mạch được đầu tư mở rộng, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sắp thông xe… hứa hẹn mở toang cánh cửa lưu thông, vận tải.
Ông Diện đánh giá: Ngoài dự án cầu Cửa Đại, đường ven biển đoạn huyện Thăng Bình và Tam Kỳ hoàn thành đưa vào sử dụng (tháng 3/2016), góp phần hình hài trục kết nối ven biển, khớp nối các cảng biển, sân bay Đà Nẵng và Chu Lai. Thời gian qua, Khu KTM Chu Lai thu hút đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông liên hoàn đấu nối quốc lộ, đường trục KCN, KKT… Đây cũng là nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhóm giải pháp trọng tâm được Khu KTM Chu Lai tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2017 nhằm triển khai Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ Dự án cầu Đế Võng và tuyến đường phía Bắc cầu Cửa Đại (theo hình thức BT và vốn vay ADB), đường nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129, đầu tư mới đoạn từ đường 129 đi biển; Đường nối Khu tái định cư Duy Hải lên cầu Trường Giang. Hoàn thiện 9km đường từ cầu Cửa Đại đến xã Bình Minh (đã cam kết với nhà đầu tư). Hoàn thành đường trục chính Khu công nghiệp Tam Thăng và kết nối tuyến đường ven biển; Hoàn thiện đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài Khu công nghiệp Tam Thăng. Phối hợp với các ngành đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào KCN như điện, nước… Đẩy nhanh tiến độ đường nối cảng Tam Hiệp đi đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất (giai đoạn 4); Đường trục chính nối khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải đến KCN Tam Anh… Tiếp tục mở ra những triển vọng mới giao thông kết nối, tạo sự khác biệt vùng kinh tế Quảng Nam.
Đến “mở cửa bầu trời”
Tại buổi làm việc liên quan đến đề xuất đầu tư của Vietjet vào CHK Chu Lai mới đây (9/3), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, cần có cái nhìn tổng thể và dài hạn để đầu tư xây dựng CHK quan trọng này. Theo báo cáo nghiên cứu của Vietjet, giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách CHK Chu Lai có công suất 4 - 5 triệu khách/năm, triển khai trong 2 năm 2017-2018, đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ hành khách đến năm 2025. Đến năm 2025 (giai đoạn 2), nhà ga này sẽ được đầu tư, mở rộng đáp ứng công suất thiết kế 8-10 triệu khách/năm… Theo lãnh đạo Vietjet, 4 giai đoạn đầu tư sẽ phát triển tổng thể CHK Chu Lai và các dự án thành phần gồm Trung tâm Trung chuyển hàng hóa, các khu vực logistics, Trung tâm Bảo dưỡng sửa chữa máy bay, động cơ.
Ông Diện cho hay: Nhu cầu mở rộng CHK Chu Lai rất thiết thực với mục tiêu xây dựng CHK này trở thành Trung tâm Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, vận chuyển hành khách, trung chuyển hàng hóa của Việt Nam và khu vực. Đây cũng chính là định hướng để hình thành chuỗi giá trị logistics không riêng về vận tải hàng hóa mà cả du lịch. Hạ tầng sân bay tốt, kéo du khách đến với Quảng Nam. Tỉnh thu hút nhà đầu tư tổ chức dịch vụ “trọn gói logistics” du lịch từ lữ hành, nghỉ dưỡng, thăm quan… góp phần giảm chi phí cho khách hàng.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Lê Văn Hỷ, chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Logistics Review đánh giá: Thời gian qua, Chu Lai - Trường Hải nỗ lực liên kết với các quốc gia khác để hình thành lên chuỗi logistics được quản trị bằng số hóa, chiến lược, khép kín. Mô hình này rất thiết thực, để tạo ra chuỗi cung ứng thông suốt, hoàn thiện và mạch lạc, góp phần giảm chi phí logistics. Bởi lẽ, dòng đường đi của hàng hóa càng bất hợp lý bao nhiêu sẽ dẫn đến chi phí logistics đội lên rất cao.Đối với hãng xe lớn như: Toyota, BMW, Mercedes-Benz... từ rất lâu đã có logistics ô tô để quá trình sản xuất được khép kín và quản lý nghiêm ngặt, giảm chi phí tồn kho, được quản trị bằng hệ thống. Thực tế cho thấy, tại một số nước như Singapore có chi phí logistics khoảng 9%, Hàn Quốc khoảng hơn 10%, Đức khoảng hơn 10% và Mỹ cũng vậy. Còn Việt Nam có chi phí logistics rất cao, hiện chiếm khoảng hơn 22%, trong số này chiếm phần lớn là chi phí cho vận tải. Điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các sản phẩm. Thiện Anh (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận