Tăng nguồn cung đất nền, nhà phố
Tại Hội thảo toàn cảnh thị trường bất động sản Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với chủ đề "vị thế mới" do DKRA Vietnam tổ chức tại Đà Nẵng sáng 24/2, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D, DKRA Vietnam đánh giá, năm 2021, Quảng Nam dẫn đầu nguồn cung đất nền, Thừa Thiên Huế đứng đầu nguồn cung nhà phố, biệt thự ở 3 thị trường thì tại Đà Nẵng ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ căn hộ mới tăng mạnh so với giai đoạn trước năm 2020.
Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới trên thị trường tiếp tục khan hiếm.
Đà Nẵng - Quảng Nam bắt tay nhau nạo vét sông Cổ Cò tạo động lực phát triển giao thông đường thủy, phát triển du lịch 2 địa phương
Cụ thể, phân khúc đất nền trong năm 2021 tại thị trường Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ghi nhận 17 dự án mở bán với khoảng 1,670 sản phẩm, tiêu thụ 1,138 sản phẩm, tương đương 68%. Nguồn cung tăng so với năm 2020 nhưng vẫn khá thấp so với giai đoạn 2018 trở về trước.
Thị trường căn hộ ghi nhận 7 dự án mở bán (khoảng 910 căn), đều tập trung tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ đạt khoảng 591 căn, chỉ bằng 65% nguồn cung mới và bằng 88% so với năm trước (673 căn).
Nguồn cung mới nhà phố/biệt thự ở 3 tỉnh, thành nêu trên tăng mạnh. Trong năm 2021, thị trường đón nhận 1,036 căn mở bán đến từ 11 dự án, tăng gấp 3.7 lần so với năm trước (280 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 67%, tương đương 692 căn, gấp 2,8 lần so với năm 2020. Thừa Thiên Huế dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ cả 3 thị trường.
Riêng Đà Nẵng, nguồn cung mới cải thiện hơn so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn 2016 - 2019. Theo DKRA Vietnam, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung khan hiếm.
Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2021 đạt khoảng 177 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (khoảng 42 căn) trên nguồn cung mới. Loại hình nhà phố/ shophouse cung cấp ra thị trường khoảng 64 căn đến từ 1 dự án, tỷ lệ tiêu thụ đạt 14% (9 căn). Condotel không ghi nhận dự án mới mở bán.
Dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam trong khi Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ, nhà phố dự báo cũng sẽ duy trì được mức ổn định và tăng nhẹ khi giá bán và thanh khoản thị trường thứ cấp có thể phục hồi khi các tỉnh, thành từng bước khôi phục kinh tế, hoạt động du lịch mở cửa trở lại.
BĐS miền Trung sẽ tăng sức nóng?
Theo DKRA Vietnam, sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư BĐS khắp cả nước đang hướng trở lại khu vực miền Trung.
Hội tụ nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng du lịch, hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội,… Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có khả năng cộng hưởng giá trị, tạo ra động lực phát triển mới cho toàn khu vực với sự hình thành của cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
Riêng Đà Nẵng, với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển,… Thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng sở hữu hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
“Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang”, DKRA Vietnam nhận định.
Còn Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển BĐS để thu hút đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.
Theo chuyên gia quy hoạch KTS Ngô Viết Nam Sơn, bên cạnh không gian “Huế Xưa”, Thừa Thiên Huế sẽ có thêm không gian “Huế Mới” với các vùng đô thị hiện đại văn minh, với nhà cao tầng, dịch vụ vụ thương mại quốc tế, cũng như hệ thống hạ tầng hiện đại bao gồm sân bay, đường cao tốc, tuyến metro,...
“Chúng ta có thể kỳ vọng các khu đô thị mới sẽ mang bản sắc thế kỷ 21 của Thừa Thiên Huế và đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp với môi trường đô thị đáng sống tầm cỡ quốc tế cho các thế hệ tương lai”, ông Sơn đánh giá.
Cũng theo ông Sơn, việc khuyến khích phát triển những dự án khu đô thị với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai, vừa giúp giảm áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu. Nhờ đó, vừa có thể tăng trưởng đô thị, vừa gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản Huế.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết thêm, về phía Đà Nẵng và Quảng Nam, 2 địa phương cũng bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An,… Là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An, việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả 2 thị trường.
Theo các chuyên gia quy hoạch, việc hình thành cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là điều tất yếu. Với định hướng này, cả 3 đô thị sẽ cùng nhau nâng giá trị đóng góp cho kinh tế cả vùng lên tầm cao mới, tương xứng với các tiềm năng phát triển.
Bước sang năm 2022, đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thiện sẽ tiếp tục “khép kín” cung đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đồng thời việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận