Chính trị

Kết quả bầu nhân sự thể hiện tính dân chủ, kế thừa

01/02/2021, 06:31

Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII vừa có sự kế thừa, bảo đảm sự ổn định, đồng thời cũng có sự đổi mới và chuyển tiếp giữa các thế hệ...

img

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng

Trong danh sách 200 Ủy viên T.Ư khóa XIII, có 119 người tái đắc cử. Trong số 119 người này có 16 người là Ủy viên dự khuyết khóa XII. Có 61 người tham gia lần đầu và trúng cử Ban chấp hành T.Ư khóa XIII.

Nhiều người trẻ hơn so với khóa trước

Có 8 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái đắc cử gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Trong danh sách 200 Ủy viên T.Ư khóa XIII, Quân đội có 23 người (tăng 1 trường hợp so với khóa XII), Công an 6 người (tăng 1 trường hợp so với khóa XII). Hà Nội có số lượng Ủy viên T.Ư đông nhất với 20 người, tiếp đó là Nghệ An, 14 người (xét theo quê quán).

Tính chung trong danh sách 180 Ủy viên T.Ư chính thức, có 48 người thuộc thế hệ 7X. 20 Ủy viên dự khuyết đều sinh từ 1976 - 1983, trong đó hầu hết sinh từ 1976 - 1977. Như vậy, số lượng người trẻ trong Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII chiếm tỷ lệ đáng kể. Nếu như khóa XII có 19 người từ 45 tuổi trở xuống thì khóa XIII có 30 người.

Ủy viên chính thức trẻ nhất là Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Tuấn Anh (SN 1979). Trong số 20 Ủy viên dự khuyết, người trẻ nhất là Bí thư huyện ủy Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng (SN 1983). 19 người còn lại hầu hết đều sinh từ 1976 - 1977.

Tổng số có 19 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 9,5%. Trong đó, có 18 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết.

Đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên hết

Bên lề Đại hội Đảng XIII, chia sẻ với báo chí ngay sau khi có kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII, Trưởng ban Tuyên giáo Kon Tum Huỳnh Quốc Huy cho biết: “Các đồng chí được bầu vào T.Ư lần này đều có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và rất xứng đáng”.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cũng đánh giá: “Cùng với văn kiện Đại hội được chuẩn bị hết sức công phu, chu đáo, công tác nhân sự là một thành công của Đại hội XIII”.

Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ, bà đã nghiên cứu kỹ, lựa chọn có trách nhiệm để bỏ phiếu cho những người đủ điều kiện, đủ đức, đủ tài, ưu tú về mọi mặt. “Tôi tin tưởng, Ban Chấp hành T.Ư khóa mới sẽ luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết”, bà Duyên chia sẻ.

Cũng như nhiều cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày qua ông rất chăm chú theo dõi các thông tin từ Đại hội XIII với một sự kỳ vọng và niềm tin rất lớn. “Bằng sự nghiêm túc, khách quan, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng”, ông Hòa bày tỏ.

Ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT cũng cho rằng, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư cho thấy Đại hội đánh giá cao năng lực thực tiễn, uy tín và kinh nghiệm công tác của đồng chí trước yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong tình hình hiện nay.

“Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII vừa có sự kế thừa, bảo đảm sự ổn định, đồng thời cũng có sự đổi mới và chuyển tiếp giữa các thế hệ”, ông Nghiêm nói.

Ông Nguyễn Văn Thiết, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Thăng Long, Hà Nội cũng bày tỏ phấn khởi khi đón nhận thông tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều vị Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái đắc cử.

Theo ông Thiết, kết quả bầu chọn đã thể hiện được vấn đề kế thừa, song cũng thể hiện được sự đổi mới, trẻ hóa công tác cán bộ. “Tôi tin tưởng và đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước trong nhiệm kỳ mới”, ông Thiết nói.

Người thứ ba giữ cả hai cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước

Tính từ khi thành lập đến nay, Đảng đã có 12 Tổng Bí thư qua các thời kỳ. Trong đó, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng khóa II (5/1941 - 10/1956), khóa V (7/1986 - 12/1986). Đồng chí Lê Duẩn là Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 9/1960 đến tháng 7/1986 (3 nhiệm kỳ: Đại hội III tháng 9/1960; Đại hội IV tháng 12/1976 và Đại hội V tháng 3/1982).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư thứ 12 của Đảng. Với việc tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, ông cũng có 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm Tổng Bí thư. Trước đó, ông là Tổng Bí thư khóa XII (từ 2016 - 2021) và khóa XI (từ 2011 - 2016).

Sau khi được Quốc hội khóa XIV bầu làm Chủ tịch nước vào năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thứ ba trong lịch sử của Đảng nắm giữ cả hai chức vụ đứng đầu Đảng và Nhà nước, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh.

Trước đây, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhận. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này đến tháng 9/1969. Như vậy, đây là giai đoạn lịch sử mà người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng đã đảm nhận chức danh đứng đầu Nhà nước.

Tháng 7/1986, Tổng bí thư Lê Duẩn từ trần, đồng chí Trường Chinh đang làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư và đảm nhiệm đến tháng 12/1986. Đây cũng là giai đoạn ngắn (5 tháng) mà người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Hội đồng Nhà nước.

Trong khi đó, các nhiệm kỳ trước năm 2016, chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội luôn được đảm nhận bởi bốn nhà lãnh đạo khác nhau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.