Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương |
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Nhận lời mời của Tổng thống Đức Joachim Gauck, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Đức từ ngày 24 đến ngày 26/11/2015. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975.
Chuyến thăm nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo Đức bày tỏ coi trọng và đánh giá chuyến thăm là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo Đức đón tiếp Chủ tịch nước ta trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước.
Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã xác định những phương hướng và biện pháp cụ thể đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong thời gian tới, nhất là về hợp tác thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Nhiều cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng đã được thiết lập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại Frankfurt, góp phần tạo xung lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương giữa hai nước.
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết về những kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chương trình hoạt động hết sức phong phú. Tại Berlin, Chủ tịch nước đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống và Thủ tướng Đức, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Đức, tiếp các Nghị sỹ hữu nghị ASEAN của Quốc hội Đức, trao đổi với chính giới và học giả Đức tại Viện Koerber.
Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp gỡ với những người bạn Đức đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và với cộng đồng người Việt tại Đức. Tại bang Hessen, Chủ tịch nước đã có buổi làm việc với Thủ hiến bang, gặp với Chủ tịch Quốc hội bang và thăm trung tâm đào tạo nghề của tập đoàn sản xuất ô tô Opel. Chủ tịch nước cũng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hai nước và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Đức, khẳng định chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài và tiềm năng hợp tác to lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Với những hoạt động quan trọng nêu trên, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thành công tốt đẹp. Kết quả nổi bật của chuyến thăm là chúng ta đã củng cố và đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trên các lĩnh vực thế mạnh của hai nước.
Cụ thể, chuyến thăm đã củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai bên; tạo cú hích mạnh để thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư, một trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng là giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và lao động. Các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cũng thể hiện vai trò chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Một điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm là các cuộc gặp gỡ rất thân mật và cảm động giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bạn bè Đức và cộng đồng người Việt tại Đức, thể hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tri ân những người bạn Đức của Việt Nam, những người đã dành tình cảm hữu nghị và ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ngày nay.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác: Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập; Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác khoa học và công nghệ; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Hợp đồng dịch vụ kỹ thuật giữa VietJet với Tập đoàn Lufthansa về động cơ máy bay A320.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại thành phố Frankfurt lần này, nhiều quan hệ hợp tác kinh doanh đã được thiết lập và nhiều cơ hội hợp tác đầy triển vọng đã được mở ra. Đây là những bước đi cụ thể, thiết thực nhằm gia tăng hợp tác giữa các đối tác và doanh nghiệp hai nước.
Có thể khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã thành công tốt đẹp, tạo bước chuyển biến mới và đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng có thể cho biết các Bộ, ngành của ta cần làm gì để triển khai kết quả chuyến thăm Đức của Chủ tịch nước?
Trên cơ sở những kết quả quan trọng đã đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng nền tảng quan hệ lâu dài, tốt đẹp và những thế mạnh và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau giữa hai nước, chúng ta cần khai thác những điều kiện thuận lợi để thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Chúng ta cần tiếp tục duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác với Đức về song phương và trên các diễn đàn đa phương; tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao và các hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành hai nước.
Các Bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực và chủ động có kế hoạch triển khai các kết quả đã được Lãnh đạo hai bên thống nhất trong chuyến thăm, qua đó khai thác các thế mạnh về nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý trình độ cao của Đức trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và nhu cầu, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút doanh nghiệp Đức và quốc tế, trở thành đầu cầu phát triển giữa khu vực Đông Nam Á và châu Âu. Với việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cùng sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành, sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp hai nước và sự hợp tác của hai bên, tôi tin tưởng rằng chúng ta có cơ hội tốt đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng phát triển thiết thực, hiệu quả và cùng có lợi, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận