Thủ tướng Thái Lan bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc thông qua Hiến pháp mới |
Ngày 8/8, Thái Lan công bố kết quả trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới do Hội đồng Quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) thuộc quân đội Thái Lan soạn thảo. Cụ thể, người dân sẽ trả lời 2 câu hỏi: 1. Có đồng ý với dự thảo hiến pháp mới hay không?; 2. Thượng viện có được phép tham gia bầu chọn Thủ tướng mới với Hạ viện hay không?
Theo kết quả sơ bộ từ Hội đồng Bầu cử, trong số 94% người đi bầu, có 61,4% người Thái ủng hộ Hiến pháp mới; 37,9% bác bỏ. Dự kiến, kết quả đầy đủ sẽ được công bố chính thức vào ngày 10/8. Hội đồng Bầu cử cho biết, Hiến pháp mới sẽ giải quyết triệt để tình trạng chia rẽ chính trị tại Thái Lan trong 1 thập kỷ qua gây cản trở phát triển kinh tế và nảy sinh bất ổn khiến hàng chục người thiệt mạng.
Tuy nhiên, một số chính đảng lớn Thái Lan và nhiều nhà phê bình chính phủ cho rằng, hiến pháp mới sẽ tăng cường vai trò chính trị của quân đội nhiều năm tới. Người đứng đầu đảng Peau Thai cho rằng, người dân Thái ủng hộ Hiến pháp chẳng qua là đẩy nhanh lộ trình bầu cử, tìm người lãnh đạo thay quân đội.
Việc Hiến pháp được thông qua là cú giáng đối với gia đình Shinawatra cùng các đồng minh đang tìm cách quay lại chính trường Thái Lan. Ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ khỏi ghế Thủ tướng trong cuộc đảo chính năm 2006. Sau đó, chính quyền của em gái ông, bà Yingluck Shinawatra cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014. Từ đó tới nay, Thái Lan nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội, do Tướng Prayuth Chan-ocha làm Thủ tướng. Hội đồng Quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) thuộc quân đội Thái Lan đã bỏ hiến pháp cũ và soạn dự thảo hiến pháp mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận