Ông Trần Văn Vót trong trại giam. |
Sáng 19/10, TAND Tối cao tổ chức họp báo công bố kết quả xác minh vụ án ông Trần Văn Vót bị kết án về các tội giết người, vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, tàng trữ vũ khí trái phép, gây rối trật tự công cộng ở Nam Hà (cũ).
Tại buổi họp báo, thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng T.Ư, bà Lương Ngọc Trâm (Tổ trưởng, Thẩm phán TAND Tối cao) tóm tắt nội dung vụ án, quá trình tiến hành tố tụng và việc thẩm định, xác minh của các cơ quan chức năng đối với vụ án Trần Văn Vót.
Đại diện TAND Tối cao cho biết, trước khi đưa ra kết luận về vụ án, tổ chuyên viên liên ngành đã nghiên cứu các tài liệu của hồ sơ vụ án; nghiên cứu những vấn đề kiến nghị của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, nội dung các đơn khiếu nại do các ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh và Phùng Đức Tiến chuyển, khiếu nại của người đại diện hợp pháp của người bị hại, những nội dung mà các cơ quan báo chí đăng tải… Tổ liên ngành cũng trực tiếp quan sát hiện trường; làm việc với những cán bộ có mặt tại hiện trường lúc lựu đạn nổ và cán bộ trực tiếp điều tra vụ án; làm việc với những người được phỏng vấn cung cấp thông tin trên báo đài…; làm việc với các lãnh đạo của Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin, với ông Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh…
TAND Tối cao cũng khẳng định, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương đã kết luận “các căn cứ mà Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Văn Thanh về tội giết người là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”.
Theo nội dung vụ án, do mâu thuẫn về tranh chấp ruộng đất giữa hai làng Nhân Phúc và Thanh Nga thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (cũ), khoảng 13h ngày 29/11/1992, nhân dân hai làng đã xảy ra xô xát, ném gạch đá lẫn nhau.
Trong thời gian hai bên xô xát, Trần Văn Vót (là Bí thư Chi bộ 4 Lý Nội, Nhân Phúc) đã đưa cho Trần Ngọc Thanh 1 quả lựu đạn để ném về phía dân làng Thanh Nga. Do lần đầu tiên ném lựu đạn nên Trần Ngọc Thanh đã ném lựu đạn vào tốp người của làng Nhân Phúc. Hậu quả làm 1 người chết, 21 người bị thương.
Sau đó ngày 7/2/1993, Trần Ngọc Thanh nhập ngũ tại Trung đoàn 139, Bộ Tư lệnh thông tin. Ngày 12/2/1993, Thanh tự thú với cán bộ cấp Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng của Trung đoàn 139 về hành vi ném lựu đạn ngày 29/11/1992, đồng thời khai Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho Thanh ném. Quá trình điều tra vụ án, Trần Văn Vót không thừa nhận hành vi đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh.
Bản án sơ thẩm ngày 26/2/1994 của TAND tỉnh Nam Hà đã xử phạt Trần Văn Vót tù chung thân về tội “Giết người”, 10 năm tù về tội “Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội”, 2 năm tù về tội “Tàng trữ vũ khí trái phép”, 3 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân; xử phạt Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “Giết người”. Sau khi xét xử sơ thẩm, Trần Văn Vót kháng cáo kêu oan và Trần Ngọc Thanh kháng cáo xin giảm hình phạt.
Bản án phúc thẩm ngày 27/8/1994 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao giữ nguyên hình phạt với Thanh, thay đổi tội danh và giảm hình phạt cho ông Vót từ tội “Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội” sang tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, giữ nguyên các hình phạt và tội danh khác đối với ông Vót.
Như Báo Giao thông đã có bài phản ánh, sau phiên xử phúc thẩm, gia đình ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh làm đơn kháng cáo, đồng thời đưa ra các bằng chứng chứng minh ông Vót và Thanh bị oan.
Đến nay, Trần Ngọc Thanh đã mãn hạn tù, còn ông Vót vẫn đang chấp hành hình phạt trong tù, hiện sức khỏe rất yếu.
Nhưng điều có lẽ là hy hữu trong vụ án này là ngay sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, không chỉ gia đình bị cáo mà cả ông Trần Văn Điền (nay đã hơn 80 tuổi, nguyên là một sỹ quan cao cấp trong quân đội) đã thay mặt gia đình có nạn nhân tử vong (con trai ông là anh Trần Hoa Việt, người thiệt mạng khi lựu đạn nổ) và cả những người bị thương trong vụ xô xát năm 1992 liên tục 24 năm qua đi kêu oan cho các bị cáo Trần Ngọc Thanh và Trần Văn Vót.
Ông Điền cho rằng, kẻ ném lựu đạn khiến con trai ông tử vong không phải Thanh và ông Vót, mà là Trần Văn Cự. Theo hồ sơ vụ án, cơ quan CSĐT đã khởi tố và truy nã Trần Văn Cự, nhưng đến 1/6/1993, cơ quan điều tra bỗng dưng chuyển tội danh cho Cự từ tội “Giết người” và “Tàng trữ vũ khí trái phép” thành tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận