Quản lý

Kẹt xe ở Cần Thơ đã đến hồi báo động

09/12/2022, 20:31

Chiều 9/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức bế mạc.

10 năm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ tăng 2%

Trong 3 ngày diễn ra, kỳ họp đã nhận được nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến các vấn đề “nóng” ở Cần Thơ, đặc biệt là lĩnh vực giao thông.

img

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tiến độ các công trình giao thông trọng điểm còn chậm, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng; ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết: Hiện nay TP đang triển khai rất nhiều công trình trọng điểm; trong đó có dự án ĐT921, 917, 918, Vành đai phía Tây, đường nối Cách Mạng Tháng Tám - ĐT918, cầu Trần Hoàng Na và 2 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc.

Ông Dũng thừa nhận tiến độ các công trình nhìn chung là chậm, do một số nguyên nhân như: công tác chuẩn bị đầu tư chậm; số hộ GPMB rất lớn, dự kiến lên đến khoảng 5.000 hộ.

Ngoài ra, công tác tái định cư không có sự chủ động do nhiều khu tái định cư vẫn đang triển khai, số hộ cần tái định cư trên dưới 1.000 hộ.

Ông Dũng cũng nhìn nhận, vấn đề ùn tắc giao thông của TP, đặc biệt là ở quận Ninh Kiều đã đến mức báo động.

Trong đó, có 6 nguyên nhân chính: tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; phương tiện cá nhân gia tăng đáng kể; tổng phương tiện hơn 1 triệu, tỷ lệ tăng phương tiện cá nhân hàng năm từ 10-12%.

img

Tình trạng kẹt xe ở Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ đất dành cho giao thông có đầu tư nhưng chỉ tăng 2%. Chênh lệch gia tăng phương tiện cá nhân và đầu tư kết cấu hạ tầng cho giao thông lớn.

TP Cần Thơ là trung tâm vùng, nên lượng khách tham quan, du lịch, học tập, khám bệnh đông, là thách thức cho hạ tầng giao thông. Trong khi đó, trục đường chính và nút giao thông chưa được mở rộng, không gian đô thị chưa mở rộng và chưa có các tuyến đường vành đai; giao thông công cộng chưa xứng tầm, hiện nay chỉ đáp ứng 1% nhu cầu. Các ứng dụng giao thông thông minh chưa được triển khai nhiều, hầu như các nút giao thông lớn vẫn điều tiết bằng thủ công.

img

CSGT Cần Thơ điều tiết giao thông trong giờ cao điểm tại các "điểm nóng" kẹt xe.

Giải pháp hạn chế ùn tắc là mở thêm một số trục giao thông lớn để đưa qũy đất giao thông lên 26%, cập nhật bãi đỗ xe; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; phát triển thêm vận tải hành khách công cộng hiện đại; quản lý giao thông thông...

Thiếu thuốc do tâm lý sợ sai

Trước đó, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - Hoàng Quốc Cường có tham luận về tình hình thiếu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế do đấu thầu chậm.

Ông Cường cho biết, có 5 nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập thời gian qua.

Trong đó, nổi bật nhất là tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện.

"Lý do tại sao lại sợ sai, sợ thanh tra? Bởi vì các quy định liên quan đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp thực tế", ông nói.

img

Trụ sở bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ.

Ông Cường lấy ví dụ điển hình cùng một loại hóa chất do 1 đơn vị cung cấp, do 1 hãng ủy quyền, yêu cầu có 3 bảng giá thì không thể nào xin được.

Bởi hãng sản xuất đã ủy quyền cho công ty cung ứng, chỉ có 1 báo giá duy nhất, nên các đơn vị rất khó khăn khi thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính. Không phải tự nhiên nhân viên y tế sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra.

Trước đó, tại buổi tiếp cử tri diễn ra vào tháng 11 vừa qua, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thời gian qua, đã có hiện tượng cung ứng không đầy đủ thuốc, vật tư y tế không đầy đủ tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Từ đó gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để tháo gỡ.

Đối với việc mua sắm thuốc tại cơ sở y tế công lập, UBND TP đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 21/21 bệnh viện, cơ sở y tế. Hiện các gói thầu này đã có kết quả đấu thầu.

Còn đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế, UBND TP đã có chủ trương cho 20 cơ sở y tế, bệnh viện công lập mua sắm bổ sung. Hiện các đơn vị đang khẩn trương thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định.

“Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế chủ động hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế có giải pháp dự trù đủ thuốc, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra”, ông Trường nhấn mạnh.

Trong ngày bế mạc kỳ họp, HĐND TP Cần Thơ đã quyết nghị thông qua danh mục thu hồi đất năm 2023 với 37 dự án, diện tích hơn 72,6ha.

Cụ thể, quận Ninh Kiều có 14 dự án với diện tích hơn 3,2ha. Quận Bình Thủy có 6 dự án với diện tích hơn 6,6ha. Quận Ô Môn 6 dự án với diện tích gần 0,6ha. Quận Thốt Nốt có 1 dự án với diện tích 0,25ha.

Huyện Phong Điền có 3 dự án với diện tích hơn 5ha. Huyện Vĩnh Thạnh có 3 dự án với diện tích 5,4ha. Có 4 dự án thuộc địa bàn liên quận, huyện với diện tích gần 51,6ha.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.