|
Sáng 18/12, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề “Gia Lai - Tiềm Năng - Hợp tác - Phát triển”, đã diễn ra tại TP Pleiku.
Hội nghị lần này nhằm giúp tỉnh Gia Lai “gỡ khó” trong kêu gọi đầu tư đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, có nhu cầu đầu tư các lĩnh vực và các danh mục mà UBND tỉnh Gia Lai đã đề xuất.
Tỉnh Gia Lai cũng công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng cần phải có sự quy hoạch nguồn nước, có chiến lược xây dựng các hồ chứa nhằm phục vụ cho dân sinh, sản xuất kinh doanh… Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông cho Gia Lai, trong đó có việc đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm QL 19, QL 14, QL 25… nâng cấp sân bay Pleiku. Giao các Bộ, Ban, ngành xây dựng một cơ chế chính sách ưu đãi hơn cho Gia Lai nhằm giảm chi phí đầu vào thấp (thuế, giá đất…) cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến với tỉnh.
Tiếp tục quan tâm, gìn giữ an ninh chính trị xã hội ổn định để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh sản xuất. Giao các cơ quan chuyên ngành phối hợp với tỉnh Gia Lai đề xuất một số cơ chế đầu ra cho một số sản phẩm nông nghiệp cho Tây Nguyên và Gia Lai như hỗ trợ lãi suất tầm xa, nghiên cứu xây dựng quỹ bão hiểm cho nông nghiệp. Cho phép lập đề án để đưa lễ hội công chiêng di sản văn hoá phi vật thể để thu hút du khách…
"Động viên hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn kinh doanh sản xuất…Đặc biệt là với chính quyền cơ sở, phải hạn chế việc “trên rải thảm, dưới rải đinh”… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở lãnh đạo tỉnh Gia Lai. |
Chính quyền Gia Lai phải xây dựng một quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng các thế mạnh đặc thù và liên kết vùng; coi trọng công nghiệp chế biến, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; gắn phát triển công nghiệp chế biến với việc xây dựng thương hiệu. Lấy ví dụ về nông sản cà phê tuy tỉnh này sản xuất nhiều nhưng sản xuất chế biến tại tỉnh chỉ là một phần rất nhỏ, sản phẩm chưa phải là sản phẩm mạnh, chưa có thương hiệu. Vậy phải tạo cơ chế đầu tư, chế biến.
Thủ tướng cũng cho rằng, chính quyền tỉnh Gia Lai phải đưa ra một cam kết mạnh mẽ, minh bạch với nhà đầu tư trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến với tỉnh. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển số lượng doanh nghiệp. Phấn đấu đến 2020 đạt con số gấp đôi hiện nay (3.500) lên 7.000 doanh nghiệp, và phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển… Giữ gìn văn hóa truyền thống, dùng văn hóa để phát triển du lịch, phát triển xã hội. Đi đôi với kinh tế là phải đảm bảo môi trường sống, phải làm sao đường phố phải sạch rác, không có ăn cắp, móc túi du khách, không làm phiền khách...
Chính quyền cần phải phấn đấu thành một chính quyền đối thoại, phải đồng hành cùng doanh nghiệp, nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp, phải “3 cùng”: Cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ với doanh nghiệp. "Muốn được điều này, ngoài sự giúp đỡ tạo điều kiện của Chính phủ thì bản thân tỉnh Gia Lai phải có kế hoạch, hành động cụ thể. Cán bộ lãnh đạo phải sát sao công việc lên gấp 3 lần".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận