Trao đổi với báo chí ngày 26/12, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân cho biết, 21 tỉnh, thành đang có mức sinh thấp, một mẹ có ít hơn 2 con.
Sở Y tế TP HCM thậm chí đã phải đề xuất miễn toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai với trường hợp có hộ khẩu thành phố để thoát khỏi vị trí địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,33 con/bà mẹ).
Tỷ lệ sinh này được dự báo sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm, trong khi người cao tuổi ngày càng tăng.
Bình luận về chính sách khuyến khích đẻ thêm con của TP HCM, nhiều bạn đọc gửi ý kiến về hộp thư Báo Giao thông cho rằng chỉ 10 - 20 năm nữa là nước ta hết thời kỳ dân số vàng. Việc khuyến khích nâng tỷ lệ sinh cần đi kèm các chính sách về nhà xã hội, miễn hoặc hỗ trợ chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi.
Bạn đọc Hồ Hoài An (Bình Dương) viết: “Liệu đã đến lúc thôi ngăn cản đẻ quá hai con? Giờ thì cần chính sách động viên đẻ đúng lứa tuổi, không nên đẻ muộn quá ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, cần quy hoạch nhà ở xã hội cho người lao động gần các khu công nghiệp, đô thị. Hai vợ chồng đi làm công nhân, ở nhà thuê thì đâu dám sinh thêm con”.
Bạn đọc Quang Anh (Hà Nội) lại cho rằng: “Dân số vàng không chỉ phụ thuộc tỷ lệ sinh. Quan trọng là phải duy trì ở mức 2 con và đầu tư chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giáo dục kỹ năng. Nếu lao động trẻ nhiều mà kỹ năng, kiến thức không được trang bị đủ như hiện nay thì cũng không tạo ra lợi thế cho nền kinh tế”.
Bạn đọc Minh Hương (TP HCM) bình luận: “Đang có sự chênh lệch lớn giữa tỷ sinh của các thành phố. Nếu không có chính sách vĩ mô điều chỉnh kịp thời, khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền đang ngày cao hơn. Ở thành phố lớn thì tỷ lệ sinh giảm, ở địa phương nghèo tỷ lệ sinh cao trong khi điều kiện nuôi dạy lại hạn chế hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận